Đuổi học hay không?

15:37 - Thứ Hai, 05/11/2018 Lượt xem: 7534 In bài viết

“Cái cảm nhận không có hình phạt là một tai họa đối với đứa trẻ luôn luôn sẵn sàng trắc nghiệm những giới hạn mà thế giới người lớn áp đặt cho nó”.

 

"Trồng người" luôn là một sự nghiệp rất khó khăn. Ảnh minh họa

Trong mấy ngày qua, câu chuyện về hình thức kỷ luật dành cho 7 học sinh ở Thanh Hóa khiến nhiều người quan tâm. Sau khi thu giữ điện thoại của một học sinh mang đến lớp, giáo viên đã phát hiện một nhóm học sinh "nói xấu" cô giáo chủ nhiệm trên mạng xã hội. Hình thức kỷ luật của trường là đuổi học 1 năm với 3 học sinh, 4 học sinh khác bị đuổi học một tuần, 1 học sinh bị cảnh cáo.

Ngay sau đó đã có nhiều ý kiến của nhiều người ở nhiều giới, nhiều vị trí khác nhau phản hồi về quyết định của nhà trường. Ngay sau đó, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo nhà trường hủy quyết định đuổi học, nhận học sinh trở lại.

Bài viết này không bàn đến khía cạnh việc "nói xấu" đó cấu thành vi phạm không và việc các thày cô xem tin nhắn của học sinh có vi phạm quyền riêng tư, bí mật thư tín hay không; mà đề cập câu chuyện người lớn nên ứng xử thế nào với những hành vi vi phạm nói chung của học sinh.

Trong suốt một thời gian dài, nền giáo dục của chúng ta mang nặng tính quyền uy. Kỷ cương, kỷ luật giáo dục chủ yếu phụ thuộc vào việc người thầy, cũng như cha mẹ, có quyền năng gần như “vô biên” và học sinh thì chỉ có một lựa chọn duy nhất là phục tùng. Dù đã đạt nhiều thành tựu, song với những thay đổi của xã hội,  nền giáo dục đó tất yếu phải có những điều chỉnh. 

Nhưng điều đáng băn khoăn là khi “quyền lực” không còn như trước đây, giáo viên sẽ làm gì khi học sinh vô kỷ luật, thậm chí xúc phạm thầy cô giáo?

Trên thực tế, ngày thường, không ít phụ huynh phó mặc con mình cho sự giáo dục của nhà trường, tuy nhiên họ lại phản ứng thái quá mỗi khi giáo viên “đụng chạm” đến con mình. Thậm chí, những vụ việc phụ huynh, người nhà học sinh đến tận trường xúc phạm nhân phẩm, sức khỏe giáo viên đã phần nào nói lên điều đó.

Không những vậy, học sinh với sự ảnh hưởng của thời đại công nghệ thông tin cũng có rất nhiều hành xử không hợp chuẩn, từ việc vô kỷ luật, không chấp hành nội quy của nhà trường đến vô lễ với giáo viên thậm chí là xúc phạm đến danh dự, sức khỏe của thầy cô giáo.

Trong khi đó, bất kỳ “hình phạt” nào giáo viên áp dụng cho học sinh cũng có thể bị phản ứng. Riêng trong vụ việc ở Thanh Hóa, nếu không có cách thức xử lý phù hợp, thật khó để tránh cho các học sinh nghĩ rằng mình đã là “người thắng cuộc” khi vi phạm.  

Ngay cả ở những nền giáo dục của các nước phát triển, thì cũng không có nghĩa là học sinh được phép làm mọi thứ. Trong một bức thư gửi các nhà giáo, cựu Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy đã nhấn mạnh, đại ý rằng, không phải vì đứa trẻ không tập trung chú ý, không phải vì nó không học hiểu nhanh, không nhớ bài một cách dễ dàng mà nó phải chịu thiệt thòi. Và người lớn không thể chấp nhận buông lỏng tay khi gặp một khó khăn đầu tiên.

Thế nhưng, cùng với đó, phải dạy dỗ cho học sinh biết nghiêm khắc đối với bản thân. Cái cảm nhận không có hình phạt là một tai họa đối với đứa trẻ luôn luôn sẵn sàng trắc nghiệm những giới hạn mà thế giới người lớn áp đặt cho nó. Người ta không giáo dục một đứa trẻ bằng cách làm cho nó tưởng rằng nó được phép làm gì cũng được, rằng nó chỉ có những quyền mà không có một nhiệm vụ nào.

Bức thư khẳng định, thực tế sự kính trọng phải là nền tảng của mọi nền giáo dục. Sự kính trọng của thầy giáo đối với học sinh, của cha mẹ đối với con cái, của trò đối với thầy, của con cái đối với cha mẹ, kính trọng người khác và kính trọng đối với bản thân mình.

Trên thực tế, xã hội chúng ta không thiếu những tấm gương về những người thày được học sinh kính trọng nghe lời, điều đó đồng nghĩa “vũ khí” của người thày là chính nhân phẩm, năng lực sư phạm của họ.

Giáo dục rõ ràng là một công việc, một sự nghiệp khó khăn và luôn đòi hỏi rất cao với các nhà sư phạm, vì các học sinh là những nhân cách rất khác nhau. Phải chăng mỗi người lớn chúng ta, trong đó có các thày cô giáo và các bậc phụ huynh, cần luôn luôn nhìn lại để tìm cách điều hòa hai động tác ngược chiều nhau: một là động tác giúp cho mỗi đứa trẻ tự tìm lấy con đường của mình; hai là động tác áp đặt cho đứa trẻ thừa nhận cái điều mà bản thân người giáo dục cho là phải, là đẹp, là thật.

Cùng với đó, phải chăng cũng nên có những quy định cụ thể hơn về cách thức xử lý trong những trường hợp không dễ xử lý như trên, để tránh không phải lựa chọn giải pháp tiêu cực nhất: đuổi học. 

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top