Sau 2 năm thực hiện Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh tiểu học

Phù hợp với xu thế

08:32 - Thứ Năm, 08/11/2018 Lượt xem: 7849 In bài viết

ĐBP - Qua gần 2 năm thực hiện Thông tư 22/2016/TT-BGDÐT (thay thế Thông tư 30/2014/TT-BGDÐT) về việc không chấm điểm mà đánh giá sự tiến bộ của học sinh tiểu học qua từng giai đoạn đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía giáo viên. Ðây được xem là cách đánh giá phù hợp với xu thế đổi mới của giáo dục tiểu học, giúp học sinh không còn áp lực về điểm số, không so sánh học sinh này với học sinh khác, từ đó, tự tin hơn trong quá trình học tập và rèn luyện.

 

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ (TP. Ðiện Biên Phủ).

Theo nhận định của đa số giáo viên, Thông tư 22/2016/TT-BGDÐT  ra đời vẫn kế thừa những điểm cốt lõi, cơ bản của Thông tư 30/2014/TT-BGDÐT nhưng có nhiều điểm phù hợp với thực tiễn hơn. Theo đó, thay vì đánh giá học sinh bằng điểm số, Thông tư 22 có 3 mức đánh giá “hoàn thành tốt”, “hoàn thành” và “chưa hoàn thành”. 3 mức này nhằm nhìn nhận rõ hơn kết quả phấn đấu của học sinh, phụ huynh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình. Thông tư 22 cũng quy định 3 mức đánh giá về năng lực, phẩm chất là: tốt, đạt và cần cố gắng. Qua đó, cho phép giáo viên, phụ huynh học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện để có giải pháp kịp thời giúp đỡ các em khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để ngày một tiến bộ hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ (TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: Ðiều đầu tiên phải ghi nhận là việc đánh giá học sinh thay vì chấm điểm đã giảm được rất nhiều áp lực cho học sinh tiểu học. Nếu như trước đây, mỗi lần tan học phụ huynh đều hỏi các em hôm nay được mấy điểm? Có điểm 9, 10 nào không…? Có điểm cao thì phụ huynh chưa chắc đã động viên nhưng nếu điểm số thấp lại so sánh với học sinh khác, thậm chí trách phạt các em. Thế nên, việc chấm điểm vô tình tạo thành áp lực không nhỏ đối với học sinh tiểu học, nhất là các em có học lực ở mức trung bình. Nhưng từ khi Thông tư 22 được áp dụng, phụ huynh lại hỏi nhiều nội dung khác, như: Hôm nay đi học có vui không? Ở lớp con học được những gì?... chứ không còn quan tâm nhiều đến vấn đề điểm số. Bên cạnh đó, việc thực hiện đánh giá học sinh thay vì chấm điểm giúp học sinh phát triển kỹ năng tốt hơn. Nếu như trước đây, học sinh làm bài tốt, giáo viên sẽ chấm điểm giỏi 9, 10 hay khá 7, 8 và học sinh chỉ biết kết quả học tập dựa trên điểm số. Nhưng Thông tư mới quy định khi đánh giá thường xuyên, giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết. Việc đánh giá dựa trên năng lực của học sinh, bởi mỗi em giỏi ở một nội dung khác nhau. Từ những nhận xét đó giúp học sinh cũng như phụ huynh biết được các em có năng khiếu, hay giỏi ở môn nào, còn yếu ở nội dung nào để có định hướng phát triển. Thay đổi này còn giúp giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học. Không chỉ vậy, ngoài những nhận xét của giáo viên, học sinh còn có thể tự nhận xét bản thân, nhận xét bạn học cùng lớp. Phụ huynh cũng thể hiện nhiều hơn sự quan tâm và tham gia nhận xét về quá trình học tập và rèn luyện của con em mình qua việc xuất hiện nhiều hơn số lần trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của các em ở trường và ở nhà. Có thể thấy, không chỉ giáo viên mà phụ huynh học sinh cũng hết sức đồng tình với việc đánh giá học sinh chứ không chấm điểm theo Thông tư 22.

Là một trong số những trường thực hiện thí điểm việc đánh giá học sinh thay vì chấm điểm, đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) có không ít kinh nghiệm trong vấn đề này. Thầy Nguyễn Văn Bắc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thông tư 22 ra đời và được áp dụng rộng rãi trong các trường tiểu học là phù hợp với điều kiện thực tế của giáo dục hiện nay. Tại các Thông tư cũ, việc đánh giá học sinh căn cứ vào kết quả thời điểm và được thể hiện bằng điểm số thì theo Thông tư 22, việc đánh giá lại dựa vào sự tiến bộ trong cả quá trình học tập để đánh giá. Từ đó, động viên, khuyến khích, tạo động lực cho trẻ phấn đấu học tập. Tuy vậy, khi mới triển khai Thông tư cũng vấp phải không ít khó khăn. Trước đây, cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đã quá quen với thang điểm 10 và coi đó là thước đo chuẩn mực cho học lực của mỗi học sinh. Thì nay những điểm số ấy lại không còn nữa khiến giáo viên, phụ huynh khá… sốc vì không biết lấy gì để làm cơ sở đánh giá học sinh. Thêm nữa, nếu như việc chấm điểm rất đơn giản chỉ cần một con số cụ thể là giáo viên đã hoàn thành việc chấm bài kiểm tra hoặc sản phẩm của học sinh thì với thông tư mới, giáo viên còn phải nhận xét mức độ hiểu bài của học sinh đến đâu, bài kiểm tra, sản phẩm hoàn thành ở mức độ nào. Và để có thể đánh giá cụ thể, giáo viên còn phải quan sát, nhìn nhận kỹ, tìm ra năng lực, tiềm năng của mỗi học sinh để có những nhận xét chính xác nhất. Ðiều này khiến giáo viên vất vả hơn nhiều so với việc chấm điểm như trước đây. Vượt qua thời gian đầu bỡ ngỡ, giá trị mang lại của Thông tư 22 đã dần được khẳng định, đội ngũ giáo viên sau khi được tập huấn và trong quá trình thực hiện nhận được sự hỗ trợ, tương tác, trao đổi của đồng nghiệp nên đến nay việc đánh giá học sinh đã dần ổn định và đi vào nề nếp.

Qua 2 năm thực hiện, việc thay thế điểm số bằng nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học đã và đang nhận được những phản hồi tích cực từ phía nhà trường, giáo viên và cả phụ huynh học sinh. Mặc dù, theo cách đánh giá này giáo viên tiểu học sẽ vất vả hơn nhiều so với cách chấm điểm cũ. Tuy nhiên, điều đó là cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học trong giai đoạn hiện nay.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top