HƯỚNG NGHIỆP

Giáo dục nghề nghiệp: Cần đột phá từ… nhận thức

15:31 - Thứ Năm, 06/12/2018 Lượt xem: 6162 In bài viết

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xác định 3 nhóm giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, đó là việc chuẩn nhà giáo, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đầu ra; nâng cao tính tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động. Các nhóm giải pháp nêu trên sẽ là đòn bẩy với giáo dục nghề nghiệp nếu các bên liên quan có sự đột phá ngay từ… nhận thức.

Lựa chọn ngành nghề, hình thức đào tạo phù hợp

Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013, anh Lê Văn Tuấn, thôn La Gián, xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), xin làm bảo vệ cho một khu chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Nhưng sau 2 năm làm việc ở đây cùng 2 năm học nghề sửa chữa xe máy, anh Tuấn mới phát hiện bản thân có năng khiếu cắt tóc. Dành tất cả thời gian, niềm đam mê cho công việc mới, chỉ sau hơn một năm học nghề, anh Tuấn đã thạo việc, mở cửa hàng làm tóc riêng và mang lại thu nhập khá. Kể về thời gian đã qua, anh Tuấn tiếc nuối: “Nếu như tôi nhận ra năng lực, sở trường của bản thân sớm hơn thì đã không lãng phí 4 năm tuổi trẻ”.


Triển lãm thiết bị giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

Tương tự anh Tuấn, rất nhiều học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông không biết mình nên học gì, làm nghề gì để lập thân, lập nghiệp. Đó là nguyên nhân cơ bản khiến một lực lượng lao động không nhỏ thiếu trình độ chuyên môn, tay nghề trong quá trình làm việc, cũng là nguyên nhân khiến một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tuyển đủ chỉ tiêu, trong khi thị trường thiếu những lao động biết việc, thạo nghề.

Để khắc phục tình trạng trên, trong những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các nhà trường, địa phương tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh từ cấp trung học cơ sở; nỗ lực nâng cao chất lượng dạy nghề. Ở cấp vĩ mô, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho phép nhiều trường nghề tuyển sinh đầu vào là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đào tạo nghề trình độ trung cấp; đồng thời thí điểm mô hình liên thông từ lớp 9 lên cao đẳng tại một số đơn vị. Khẳng định hiệu quả của mô hình này, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, đưa nội dung cho phép học sinh học hết trung học cơ sở có thể học luôn trung cấp hoặc cao đẳng vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Về phía người học, ông Trần Văn Tính, giảng viên Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyên, trước khi lựa chọn nghề nghiệp, phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu xem nghề nào mới xuất hiện, nghề nào đang phát triển tốt nhất, nghề nào thu nhập cao nhất; đồng thời phải hiểu rõ xã hội cần người làm nghề như thế nào, bản thân mình yêu thích, phù hợp với nghề gì… 

Để các bên cùng có lợi...

Cùng với người học và đơn vị đào tạo, doanh nghiệp là một “mắt xích” quan trọng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp có chức năng phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, tiêu chuẩn, chương trình đào tạo nghề... Tiếc rằng, mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhà trường hiện vẫn rất lỏng lẻo.

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, đến nay, cả nước mới có 12,3% doanh nghiệp thường xuyên hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 45,1% doanh nghiệp có quan tâm, nhưng ít hợp tác và 46,2% doanh nghiệp chưa bao giờ hợp tác. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tỏ rõ sự lo lắng khi tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp từ năm 2007 đến nay luôn ở mức hơn 14%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng về số lượng lao động trong doanh nghiệp chỉ đạt hơn 7%/năm. Do đó, nếu muốn sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp phải trở thành nhà đầu tư, tham gia định hướng giáo dục nghề nghiệp... thay vì thụ động chờ nguồn nhân lực sẵn có. 

Trên thực tế, sự kết hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp và thị trường lao động trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề mang lại lợi ích cho nhiều phía. Như Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất đã ký hợp đồng đào tạo, cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với số lượng hơn 16.000 người giai đoạn 2018-2020, nên 100% học sinh, sinh viên của trường này được cam kết có việc làm sau khi tốt nghiệp, nếu đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội… cũng liên tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, ngoài các giải pháp vĩ mô, mỗi phụ huynh, học sinh, người lao động cần tiếp cận hệ thống giáo dục nghề nghiệp bằng nhận thức mới, tư duy mới - nên học nghề, làm nghề phù hợp nhất với bản thân. Còn nhà trường và doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ để đôi bên cùng có lợi.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top