Phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú

Còn nhiều vướng mắc, hạn chế

09:41 - Thứ Ba, 11/12/2018 Lượt xem: 7203 In bài viết
Trong những năm qua, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) đã phát triển ở 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, hệ thống trường PTDTNT đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được tháo gỡ.

 

Học sinh lớp 10, Trường PTDTNT tỉnh Sơn La thực hành môn công nghệ.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), toàn quốc hiện có 319 trường PTDTNT ở 50 tỉnh, thành phố với hơn 97 nghìn học sinh nội trú (HSNT). Trong đó, trường PTDTNT cấp tỉnh có 57 trường, cấp huyện 307 trường và ba trường PTDTNT trực thuộc Bộ GD và ĐT. Đến nay, số trường PTDTNT được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã đạt khoảng 40%. Đáng chú ý, chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT ngày càng được nâng cao, số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT của các trường PTDTNT liên tục tăng qua từng năm học; nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia.

Đáng chú ý, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của hệ thống trường PTDTNT ngày càng được nâng cao. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Lạng Sơn Hà Thị Khánh Vân cho biết: Thời gian qua, đã có 474 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường PTDTNT trong tỉnh được tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực giảng dạy cũng như tổ chức và quản lý các nội dung giáo dục đặc thù. Công tác tự bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên được động viên thúc đẩy; khai thác thông tin trên in-tơ-nét, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; tập huấn và được cấp tài khoản sinh hoạt chuyên môn qua mạng "Trường học kết nối"... Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên), Lục Thúy Hằng cho biết: Nhà trường luôn chú trọng những giờ thao giảng, giảng mẫu, các giờ giảng có sử dụng công nghệ thông tin một cách sáng tạo, tạo khí thế thi đua sôi nổi hào hứng trong tập thể giáo viên và học sinh. Đối với học sinh giỏi, nhà trường thành lập các nhóm chuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức; đối với học sinh yếu kém nhà trường khảo sát chia nhóm để giúp đỡ học sinh theo từng môn học.

Còn tại Trường PTDTNT THCS Con Cuông, tỉnh Nghệ An, đội ngũ giáo viên có những cách làm hay, giúp học sinh nhanh chóng làm quen với môi trường học tập, vơi đi nỗi nhớ nhà, thông qua việc thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa để các em gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như thi trang phục các đồng bào dân tộc, thi ẩm thực các món ăn của các dân tộc có học sinh học trong nhà trường, các ngày lễ hội tổ chức ném còn, kéo co...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống trường PTDTNT đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế: cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học còn thiếu và không đồng bộ. Cụ thể như tại Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên), thiếu phòng học đa chức năng, phòng nghệ thuật, phòng thực hành, dụng cụ dạy học, nhà công vụ giáo viên, sân vận động... Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường Hữu Nghị T78 (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội), Lê Phú Thắng cho rằng: Công tác tuyển sinh đầu cấp (lớp 10) hằng năm tuyển đủ chỉ tiêu song chất lượng chưa thật sự cao, trong đó một phần do cơ chế ưu đãi cho học sinh dân tộc thiểu số chưa thật sự thu hút, khoảng cách về địa lý khá xa... Ngoài ra, một số chính sách, chế độ đối với trường PTDTNT còn chưa phù hợp, thiếu một số chế độ, chính sách đặc thù cần thiết...

Tại tỉnh Điện Biên, theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Nguyễn Mạnh Quân, cơ sở vật chất, thiết bị trường học của các trường PTDTNT hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng đủ nhu cầu học tập các sinh hoạt cho khoảng 5% số học sinh trung học là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị trường học, cho nên học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ phải đi học nhờ. Để bảo đảm đến năm 2020, tỉnh Điện Biên có 10% số học sinh trung học người dân tộc thiểu số được học trong các trường nội trú theo quy định cần đầu tư kinh phí để bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho các trường PTDTNT hiện có cần hơn 400 tỷ đồng là điều khó khăn.

 
Vụ trưởng Giáo dục dân tộc, Bộ GD và ĐT Trần Ngọc Sơn thừa nhận: Hệ thống trường PTDTNT hiện nay quy hoạch không thống nhất giữa các địa phương; có tỉnh có đến hai trường PTDTNT cấp tỉnh; có tỉnh mỗi huyện có một trường PTDTNT cấp huyện nhưng chủ yếu là học sinh THPT (số học sinh THCS chiếm tỷ lệ rất thấp). Thậm chí có nơi trường PTDTNT cấp huyện được đầu tư xây dựng khang trang nhưng công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do việc quy hoạch xây dựng trường không phù hợp với thực tế phân vùng các dân tộc thiểu số sinh sống tại địa bàn. Vì vậy cần rà soát, quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống các trường PTDTNT trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí theo quy định về tuyển sinh, cơ sở vật chất, đội ngũ… để tránh lãng phí và mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, Bộ GD và ĐT sẽ xây dựng các tiêu chí để thành lập mới, giữ nguyên hoặc chuyển đổi trường PTDTNT. Xây dựng mô hình trường PTDTNT trọng điểm theo bốn vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải miền trung và Tây Nam Bộ để tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới và hải đảo.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top