Vụ kiện thu hồi bằng tiến sĩ:

Hủy quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị khôi phục học hàm học vị của ông Hoàng Xuân Quế

15:24 - Thứ Sáu, 14/12/2018 Lượt xem: 8237 In bài viết
Chấp thuận một phần yêu cầu khởi kiện, hủy quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 10-11-2013 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) (Quyết định 4674) thu hồi bằng tiến sĩ, kiến nghị khôi phục học hàm, học vị của ông Hoàng Xuân Quế là kết quả phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính của Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án sáng 14-12.

 

Trước đó phiên tòa được mở theo đơn của ông Hoàng Xuân Quế (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) khởi kiện từ năm 2013, yêu cầu hủy Quyết 4674 của Bộ trưởng GD-ĐT. Vụ án từ 2013 đến nay đã qua một số phiên và nhiều trình tự thủ tục khác nhau, tạo điều kiện để các bên đương sự tiếp tục bổ sung các chứng cứ. Bên khởi kiện là ông Hoàng Xuân Quế cùng hai luật sư bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp Trần Hồng Phúc và Ngô Thị Thu Hằng. Bộ trưởng GD-ĐT đã ủy quyền cho Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tham gia phiên tòa; có hai luật sư Đinh Anh Tuấn và Nguyễn Thị Ánh Tuyết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Bộ GD-ĐT.

Tại phiên tòa ngày 10-12 đã diễn ra phần đặt câu hỏi, tranh tụng giữa bên khởi kiện và bị kiện. Theo đó luật sư đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của ông Hoàng Xuân Quế đã đặt ra nhiều vấn đề như: Ba cuốn luận án do Bộ GD-ĐT thu thập để làm căn cứ xem xét việc ông Hoàng Xuân Quế có sao chép hay không không phải là luận án gốc được bảo vệ năm 2003. Bởi theo quy định, Bộ GD-ĐT phải lưu giữ luận án gốc của ông Hoàng Xuân Quế nhưng đã không thực hiện. Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc lưu trữ luận án theo quy định ra sao. Mặt khác, trong ba cuốn luận án được Bộ GD-ĐT thu thập và cho rằng của ông Hoàng Xuân Quế (tại Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Kinh tế quốc dân) để làm căn cứ xác định luận án gốc thì có hình thức khác nhau như số trang chênh lệch nhau; kết cấu số trang giữa các chương cũng khác nhau… Căn cứ để Bộ GD-ĐT thu hồi bằng TS của ông Hoàng Xuân Quế là không có cơ sở bởi trong quyết định thu hồi căn cứ vào cả văn bản năm 2007, trong khi ông Quế bảo vệ luận án năm 2003. Năm 2016, Bộ GD-ĐT giao Hội đồng giáo sư Nhà nước ngành kinh tế để lập hội đồng thẩm định luận án TS là không có cơ sở pháp lý… Luật sư đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của Bộ GD-ĐT đã tranh tụng, đưa ra quan điểm, căn cứ chung quanh quyết định thu hòi bằng TS của ông Hoàng Xuân Quế. Chủ tọa phiên tòa đã công bố quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (gửi bằng văn bản) người được ủy quyền tham gia phiên tòa. Phía Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận ba cuốn luận án thu thập làm chứng cứ và đối sánh được cho là bản gốc luận án của ông Hoàng Xuân Quế là có sự khác nhau về hình thức cấu trúc. Bộ GD-ĐT cũng rút lại, không lấy kết quả thẩm định của Hội đồng chức danh GS ngành kinh tế năm 2016 làm căn cứ mà chỉ là để tham khảo…

Theo đại diện Viện kiểm sát (VKS) nhân dân TP Hà Nội tại phiên tòa, sau khi nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa, cho thấy thẩm phán, hội đồng xét xử đã chấp hành các quy định của luật tố tụng hành chính. Việc Bộ GD-ĐT sử dụng cuốn luận án lưu tại Thư viện Quốc gia để làm căn cứ thẩm tra, so sánh đối chiếu ông Hoàng Xuân Quế có sao chép hay không là chưa khách quan. Mặt khác, chính Bộ GD-ĐT đã nộp cho tòa án ba cuốn luận án được cho là của ông Hoàng Xuân Quế nhưng lại không đồng nhất về hình thức. Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đã nộp đến tòa án nhiều cuốn luận án TS được cho là của ông Hoàng Xuân Quế nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, Bộ GD-ĐT sử dụng cuốn luận án lưu tại Thư viện Quốc gia để so sánh đối chiếu với luận án của ông Mai Thanh Quế và ông Hoàng Xuân Quế sao chép mà không dẫn nguồn là chưa chính xác, chưa đủ căn cứ khách quan để ban hành Quyết định 4674. Đại diện VKS nhân dân TP Hà Nội cho rằng cần chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế về việc hủy Quyết định 4674 của Bộ GD-ĐT đồng thời đình chỉ việc giải quyết yêu cầu bồi thường do ông Hoàng Xuân Quế xin rút lại phần này.

Sau khi nghị án, thẩm phán Hoàng Chí Nguyện, chủ tọa phiên tòa cho biết do còn một số điều cần trực tiếp đại diện Bộ GD-ĐT trả lời tại tòa cho nên đã yêu cầu đại diện Bộ GD-ĐT và mời một số giáo sư có liên quan đến tham gia phiên tòa sáng 14-12. Tuy nhiên, sáng 14-12, cả đại diện Bộ GD-ĐT và các GS được mời đều vắng mặt, luật sư đại diện các bên không có thêm ý kiến, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định: Việc Bộ GD-ĐT căn cứ vào biên bản của hội đồng xác minh theo quyết định của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước ngành Kinh tế học để kết luận việc sao chép luận án của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp lệ, không có giá trị; việc xác minh được triển khai trước khi nhận được đơn tố cáo; văn bản làm việc với các thành viên hội đồng chấm luận án của cơ quan an ninh thuộc Bộ công an lập không phải là tài liệu đúng quy định; thực tế tồn tại nhiều cuốn luận án TS, trong đó 3 cuốn do Bộ GD-ĐT cung cấp làm căn cứ có sự khác nhau về cấu trúc và dàn trang. Trong khi có 3 cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế thu thập từ các nhà khoa học là người hướng dẫn và người tham gia hội đồng chấm luận án, có chữ ký của các nhà khoa học mà tác giả cho là luận án bảo vệ tại hội đồng có nội dung khác so với ba cuốn luận án của bộ thu thập. Người tố cáo là ông Nguyễn Văn Nam, đồng thời là chủ tịch hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước đối với luận án TS của ông Hoàng Xuân Quế cũng không cung cấp được cuốn luận án đã nhận khi nghiên cứu sinh bảo vệ chính thức. Như vậy thực tế tồn tại 6 cuốn luận án có cấu trúc, nội dung và hình thức khác nhau. Việc Bộ GD-ĐT dựa trên kết quả của một cuốn luận án lưu trữ tại Thư viện Quốc gia không bảo đảm khách quan vì luận án không có chữ ký của nghiên cứu sinh, không có nhận xét của các nhà khoa học, người phản biện, không có nghị quyết của hội đồng chấm luận án theo quy định. Trách nhiệm quản lý luận án TS và các văn bản liên quan thuộc Bộ GD-ĐT nhưng Bộ GD-ĐT không lưu giữ được để làm căn cứ xác định. Thời điểm ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ luận án tháng 10-2003 căn cứ vào các quy định thời điểm đó thì việc thu hồi không phù hợp quy định của pháp luật; việc áp dụng theo quyết định số 33 ngày 20-6-2007 là không phù hợp quy định pháp luật.

Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu của người khởi kiện; hủy Quyết định số 4674 ngày 11-10-2013 của Bộ trưởng GD-ĐT về việc thu hồi bằng tiến sĩ ngành Kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế; kiến nghị Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục học hàm, học vị của ông Hoàng Xuân Quế.

Kết thúc phiên tòa, ông Hoàng Xuân Quế cho biết đồng tình với kết quả phiên tòa sơ thẩm. Việc tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên hủy quyết định của Bộ trưởng GD-ĐT đã trả lại danh dự, uy tín của ông suốt nhiều năm qua. Quyết định của Bộ trưởng GD-ĐT đã gây thiệt hại cả thể chất, tinh thần, phá hỏng sự nghiệp của ông. Vụ việc của ông cần là bài học để Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành quyết định hành chính cần xem xét thấu đáo, thượng tôn pháp luật…
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top