Tự chủ đại học và trách nhiệm minh bạch

15:59 - Thứ Sáu, 14/12/2018 Lượt xem: 6080 In bài viết
Ngày 19-11-2018, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật GDĐH 2018) đã được Quốc hội thông qua, trong đó có nội dung liên quan yêu cầu tự chủ đối với các trường đại học. Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh thời đại toàn cầu hóa, giáo dục đại học Việt Nam cần hội nhập sâu rộng vào môi trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia đều cho rằng, để các trường đại học thật sự tự chủ, cần phải thực hiện minh bạch, gắn với trách nhiệm, để các cơ sở đào tạo phải tồn tại bằng chất lượng thay vì bằng các giải pháp ngắn hạn, có tính đối phó.

Tự chủ đại học đã và đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện, bởi đó là biện pháp trực tiếp đáp ứng nhu cầu của giáo dục và đào tạo hiện đại. Từ thực tế phát triển có thể thấy tự chủ có vai trò quan trọng giúp các trường đại học phát huy tối đa nội lực, khả năng sáng tạo và thích ứng với các yêu cầu mà sự biến chuyển xã hội đặt ra. Trên thế giới, với chính sách cởi mở, tự chủ, đem lại môi trường học tập chất lượng cao cho người học mà các nền giáo dục tiên tiến như ở Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a, Pháp, Nhật Bản,… luôn là đích đến của nhiều sinh viên. Không chỉ thu hút sinh viên, với cơ chế tự chủ, nhiều trường đại học trên thế giới còn hoạt động dưới hình thức như những công ty, tập đoàn, vừa tạo được nguồn thu riêng, vừa góp phần giảm gánh nặng ngân sách. Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc… là những quốc gia thực hiện tự chủ đại học với nhiều thành tựu nổi bật. Tại Nhật Bản, năm 2004, toàn bộ 86 trường quốc lập chuyển sang mô hình tự chủ, từ mô hình National University (đại học quốc gia) chuyển sang mô hình National University Corporation (tập đoàn đại học quốc gia). Tự chủ đại học không chỉ giúp Nhà nước giảm gánh nặng ngân sách mà còn giúp Nhật Bản trở thành một quốc gia có nền giáo dục có uy tín trên thế giới. Từ năm 2004, Nhật Bản đã có sáu trường đại học lọt vào tốp 200 trường đại học hàng đầu theo bảng xếp hạng đại học thế giới QS (Quacquarelli Symonds World University Rankings, là bảng xếp hạng hằng năm, uy tín hàng đầu về thứ hạng các trường đại học).

Ðến năm 2018, Nhật Bản có thêm ba trường đại học lọt vào tốp này. Trước khi thực hiện tự chủ trong trường đại học, chính sách giáo dục của Hàn Quốc được đánh giá là tập trung tới mức cực đoan. Ðến năm 1995, trải qua nhiều nỗ lực cải tổ, quốc gia này đã trao quyền tự chủ cho các trường. Hiện, Ðại học quốc gia Seoul (SNU) là một trong số ít trường bước đầu đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty, nhằm cải thiện tính cạnh tranh quốc tế; Ðại học quốc gia Ulsan và Ðại học quốc gia Incheon cũng đang có kế hoạch chuyển đổi theo hướng này.

Tại Việt Nam, lâu nay, Luật GDÐH vẫn duy trì hình thức tổ chức các trường đại học theo hướng đơn ngành như: ngân hàng, mỏ địa chất, ngoại thương… Vấn đề tự chủ đại học được bàn đến từ khi thành lập Ðại học Quốc gia như một phương thức tất yếu để đổi mới giáo dục đại học, bắt kịp với xu thế đào tạo đa ngành, đa nghề trên thế giới. Ðến nay, có 23 trường đại học được chọn để thực hiện thí điểm tự chủ đại học theo Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Theo kinh nghiệm từ các trường được chọn thí điểm, tự chủ đại học đã giúp các trường có nhiều quyền độc lập hơn, tạo ra những thay đổi tích cực trong tổ chức, hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ trong trường đại học cũng đang gặp không ít khó khăn, chưa thật sự tạo ra nhiều chuyển biến đáng kể. Cần thấy rằng, mấu chốt của tự chủ đại học là công khai, minh bạch thông tin gắn với trách nhiệm giải trình. Thông tin minh bạch thì trách nhiệm giải trình sẽ được thực hiện dễ dàng, hiệu quả hơn. Từ thực tế triển khai thí điểm tự chủ của một số trường có thể thấy cả hai nội dung này đều chưa bảo đảm. Những quy chế về minh bạch thông tin đã được quy định cụ thể trong Thông tư số 09/2009/TT-BGDÐT. Theo đó, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai về đội ngũ, nguồn nhân lực, học phí, báo cáo hằng năm và kết quả kiểm định trên trang mạng của trường (công lập cũng như tư thục). Những thông tin này được công bố minh bạch còn góp phần điều chỉnh các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam vừa tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng thực tế cho thấy việc nhiều trường thực hiện minh bạch thông tin theo các cách thức khác nhau, các số liệu điều tra về sinh viên ra trường thiếu một cơ quan có thẩm quyền khẳng định, còn mang tính chung chung nên hiệu quả khá mờ nhạt. Hơn nữa, không dễ truy cập vào cơ sở dữ liệu công khai của các trường để kiểm chứng báo cáo giải trình, số liệu thống kê… Chưa kể, việc thu thập thông tin thống kê, kiểm định, đánh giá các chỉ số đầu ra mới chủ yếu được thực hiện bởi Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Bộ GDÐT), còn thiếu sự "cởi mở" nên phần nào hạn chế tính công khai, khách quan. Bộ phận giám sát, nhất là của công chúng chưa được tăng cường và trao quyền đúng mức cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng tới sự minh bạch.

Theo Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA) có thể xác định bốn lĩnh vực tự chủ trong trường đại học gồm: tự chủ tổ chức, tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự và tự chủ học thuật. Nếu xét theo quy chuẩn này, phần lớn các trường đại học ở Việt Nam chưa thực hiện tự chủ theo thông lệ quốc tế, mà mới thực hiện tự chủ một phần về tài chính. Thậm chí, nhiều trường chỉ hướng tới việc tăng học phí. Phần lớn các trường đại học vẫn chưa chú trọng, chủ động đa dạng nguồn thu (nguồn thu chủ yếu hơn 70% vẫn từ học phí, lệ phí do sinh viên đóng) nên chưa tác động nhiều đến chất lượng giảng dạy và đào tạo; đưa tới nguy cơ dễ "rủi ro" vì phụ thuộc vào khả năng tuyển sinh mỗi năm. Hệ lụy từ việc này còn có thể gây ra bất bình đẳng cho người học nếu vấn đề tài chính của đơn vị đào tạo không được cân đối, hợp lý, có lộ trình cụ thể. Trong khi để giải bài toán này, các trường đại học trên thế giới đều có giải pháp nhằm đa dạng nguồn thu từ nhiều hình thức khác nhau. Các trường đại học ở châu Âu tìm nguồn thu từ hỗ trợ của chính phủ; tài trợ của các quỹ nghiên cứu; các nguồn khác từ tư nhân, quốc tế... Một số trường đại học tại In-đô-nê-xi-a đa dạng nguồn thu từ hoạt động tư vấn, liên kết với doanh nghiệp. Ðây cũng là kinh nghiệm quý mà các trường đại học tại Việt Nam có thể tham khảo.

Phân tích nguyên nhân khiến tự chủ đại học chưa được thực hiện phù hợp với thông lệ quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam cho rằng, Bộ GDÐT, cơ quan chủ quản (bộ chuyên ngành, UBND các tỉnh) không muốn bỏ quyền quản lý các trường đại học. Trong khi các cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ lại thiếu nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, thiếu quyết liệt trong chuẩn bị các điều kiện để thực hiện, bảo đảm năng lực giải trình, quản trị… Các trường đại học cần xác định rõ thực hiện tự chủ để cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo. Không ít trường vẫn còn tâm lý trông chờ vào Bộ chủ quản, muốn tiếp tục cơ chế bao cấp. Bằng chứng là trong 23 cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm tự chủ đại học, đến nay chỉ có Trường ÐH Kinh tế quốc dân, Trường ÐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường ÐH Bách khoa Hà Nội là đang xây dựng đề án không trực thuộc Bộ GDÐT. Ngoài ra, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, các văn bản luật về tự chủ đại học còn thiếu quy định rõ ràng, có phần chồng chéo với các luật khác liên quan, áp lực của xã hội với việc yêu cầu bắt buộc các trường đại học phải tự chủ còn nhẹ... cũng là các rào cản lớn khiến tự chủ đại học chưa đạt hiệu quả cao.

Ngày 19-11 vừa qua, nội dung tự chủ đại học đã chính thức được luật hóa trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Tại khoản 4, Ðiều 12 về Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, Luật GDÐH 2018 quy định: "Ðảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm định chất lượng, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, thanh tra của Nhà nước và giám sát xã hội, theo quy định của pháp luật". Ðáng chú ý tại khoản 1, Ðiều 32 Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học trong Luật GDÐH 2018 cũng quy định: "Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, công tác sinh viên phù hợp với chức năng, năng lực tự chủ, theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật liên quan; bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cụ thể: a. Ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng; chính sách chất lượng trong các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phù hợp với các quy định về bảo đảm chất lượng của pháp luật; b. Ban hành, tổ chức thực hiện quy chế tổ chức, hoạt động và các quy chế khác như: quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng tài sản, công khai tài chính, dân chủ cơ sở và các văn bản về quy trình, quy định quản lý nội bộ các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học". Như vậy, với một số sửa đổi, bổ sung, nội dung tự chủ đại học trong Luật GDÐH 2018 đã được quy định rõ ràng, toàn diện hơn. Ðồng thời Luật cũng quy định chặt chẽ hơn về kiểm định, mở ngành, hợp tác đào tạo cũng như trách nhiệm giải trình khi thực hiện tự chủ.

Tuy vậy, cùng với việc luật hóa, tư duy của các trường đại học vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, có tính quyết định. Nếu không có động lực thay đổi mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao năng lực quản trị, giải trình, nhằm thúc đẩy cạnh tranh, đưa giáo dục đại học trở thành nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao việc tự chủ đại học khó lòng đạt hiệu quả. Và cũng cần nhận thức rằng, tự chủ đại học là cần thiết, nhưng tự chủ không đồng nghĩa với Nhà nước thả nổi hoặc buông lỏng quản lý, mà cần gắn chặt với cơ chế giải trình, trách nhiệm minh bạch. Bởi sự minh bạch về trách nhiệm sẽ khiến các cơ sở đào tạo đại học phải tồn tại bằng chất lượng thay vì các giải pháp ngắn hạn, nhất thời.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top