Nét mới trong tuyển sinh đại học ở phía Nam

15:01 - Thứ Hai, 17/12/2018 Lượt xem: 6585 In bài viết

Từ năm 2019, kỳ thi THPT có thể sẽ điều chỉnh đề thi về mặt kỹ thuật theo hướng bám sát yêu cầu mục tiêu xét tốt nghiệp. Trước những thay đổi này, các trường đại học tại khu vực phía Nam đổi mới phương án tuyển sinh so với năm 2018 để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Anh Phạm Minh Hiển là phụ huynh có con đang học lớp 12 tại Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh cho biết, con anh rất thích ngành học Nano của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vì ngành học này phù hợp với học lực và đam mê nghiên cứu của cháu. Còn em Lê Thị Huyền Trang (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình) cho hay, năm nay sẽ đăng ký xét tuyển vào hai trường đại học đã mở ngành học mới là ngành học Robot, Logistics... bởi trong tương lai những ngành học này sẽ rất phát triển.


Thời gian qua, các trường đại học tại khu vực phía Nam đã mở ra nhiều ngành học đáp ứng nhu cầu mới hiện nay. Đơn cử, năm 2019, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh ngành Robot với 20 chỉ tiêu, học hoàn toàn bằng tiếng Anh, miễn 100% học phí. Theo đó, ngành này có sự phối hợp của 3 khoa đào tạo là cơ khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin; tạo bước đột phá trong tư duy về ngành nghề ở bậc đại học, phù hợp với xu thế đa ngành, xuyên ngành trong kỷ nguyên số. 

Tương tự, Trường Đại học Việt Đức xét khoảng 450 chỉ tiêu cho 7 ngành với 3 phương thức: Thi tuyển theo hệ thống đề thi do Viện Khảo thí TestAs cung cấp, được tổ chức vào tháng 5-2019; xét tuyển trực tiếp học sinh giỏi quốc gia và quốc tế các giải Nhất, Nhì, Ba và thí sinh có bằng tú tài quốc tế; xét điểm thi THPT quốc gia với điều kiện tổng 3 môn từ 21 điểm trở lên...

Trong khi đó, Trường Đại học Lạc Hồng, năm 2019 tiếp tục xét tuyển bằng 2 phương thức là điểm thi THPT quốc gia (40%) và điểm học bạ (60%), với tổng chỉ tiêu là 2.000. Đặc biệt, trường mở thêm ngành mới là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Còn Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh dự kiến mở 3 ngành mới gồm: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, ngôn ngữ Hàn Quốc, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Trường vẫn giữ nguyên 2 phương thức, xét theo kết quả thi THPT quốc gia (70%) và xét theo học bạ THPT (30%), có một điểm mới là trường thay đổi mã tuyển sinh (KTC) thành (UEF).

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay trường công bố dự kiến phương án tuyển sinh hệ đại học năm 2019 theo phương án 80% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả điểm thi THPT quốc gia 2019, 10% xét từ kết quả học bạ 3 năm THPT của thí sinh và dự kiến bổ sung thêm phương án xét tuyển từ kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, trường đang xây dựng đề án tuyển sinh mới. Trong đó, trường sẽ áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Đây là lộ trình nhà trường chuẩn bị trước để không bị động trong trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đại học (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm 2019, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh hướng đến mục tiêu tuyển chọn được thí sinh giỏi, đúng năng lực, có nguyện vọng học tập và đáp ứng nhu cầu của các ngành đào tạo. Năm 2019, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ có 4 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, ưu tiên xét tuyển theo quy định Đại học Quốc gia, xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top