Tất cả vì học sinh thân yêu

09:15 - Thứ Năm, 20/12/2018 Lượt xem: 9093 In bài viết

ĐBP - Gian nan, nhọc nhằn và không ít khó khăn, vất vả... nhưng vì yêu nghề, biết bao nhiêu thầy cô giáo vùng cao khắp cả nước đã hy sinh tuổi thanh xuân bám trụ cắm bản, miệt mài từng trang giáo án để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Và đối với Ðiện Biên - một tỉnh miền núi còn bao gian khó thì những hình ảnh ấy lại trở nên quen thuộc, gần gũi hơn bao giờ hết…

 

Cô giáo ở Ðiểm trường Mầm non Nậm Ðích (Trường Mầm non Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) hướng dẫn học sinh chơi các trò chơi.

Chớm đông, những cơn mưa bất chợt khiến đường đến Ðiểm trường Mầm non Nậm Ðích - điểm trường xa nhất của Trường Mầm non Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) càng trở nên khó khăn hơn và xa hơn ngày thường. 35 cây số là quãng đường không phải dài nhưng cũng chẳng ngắn đối với khoảng cách từ trung tâm xã tới một bản. Dọc đường đi, những đoạn cua khúc khuỷu cộng với “ổ trâu, ổ gà” khiến một tay lái có hạng như tôi điều khiển xe máy cũng mỏi nhừ. Ðã thế, chúng tôi còn trong vai “người hùng” khi hỗ trợ nâng xe giúp một người dân bản địa bị ngã ven đường. Không quên cảm ơn chúng tôi, anh ta còn “tặng” thêm lời giải thích: “Ðường khó đi quá cán bộ ơi!” Vượt rất nhiều trở ngại, cuối cùng chúng tôi cũng đến Ðiểm trường Mầm non Nậm Ðích. Có lẽ do được báo trước nên các cô giáo đã chủ động đón chúng tôi ngoài cổng trong niềm vui “khách đến chơi nhà”.

Mang câu chuyện trên quãng đường đi kể cho các cô giáo nghe, tất cả đều mỉm cười và cho đó là chuyện thường thôi!. Cô giáo Quàng Thị Võng - một trong ba giáo viên cắm tại điểm bản, chia sẻ: “Ðấy, các chú thấy chưa, ngay người dân bản địa đi còn bị ngã, huống gì các thầy, các cô. Bởi thế, chúng tôi xem đó là chuyện bình thường mỗi khi đi về trên con đường đó. Mà có thế, các chú mới thấu hiểu nỗi khổ của giáo viên giảng dạy ở những điểm bản xa xôi, heo hút như chúng tôi”.

Ở Ðiểm trường Mầm non Nậm Ðích chỉ có 3 cô giáo, phụ trách dạy 46 học sinh. Tuy rằng, mỗi người một tính cách nhưng đều chung công việc và tình yêu với nghề. Cô Quàng Thị Võng - người có hơn 13 năm gắn bó với bục giảng mới thấu hiểu những khó khăn mà giáo viên cắm bản đã, đang và sẽ trải qua. Cô Võng bảo: Mười mấy năm công tác tại Trường Mầm non Chà Nưa, chưa có điểm trường nào mà tôi chưa đi và giảng dạy. Dù khó khăn, vất vả nhưng nghĩ đến ánh mắt ngây thơ của học sinh lại ấm lòng. Ðây cũng là động lực để mỗi giáo viên như chúng tôi phấn đấu, góp phần cống hiến cho nền giáo dục.

Bản Nậm Ðích còn nghèo, có lẽ vậy mà người dân nơi đây chỉ quan tâm đến cái ăn, cái mặc chứ ít quan tâm đến giáo dục. Có hôm sáng sớm tinh mơ, phụ huynh đã mang con đến “giao” cho các cô rồi đi làm biền biệt; có khi một, hai ngày mới về. Chính vì thế, từ việc ăn, ngủ, học hành đều cần đến bàn tay cô giáo. Các cô không chỉ là giáo viên mà còn hơn thế nữa, đó là những người mẹ hiền.

Ðã chọn con đường sự nghiệp là nghề giáo, thì công tác nơi nào cũng có những khó khăn vất vả. Song, quên đi khó khăn về vật chất, khoảng cách về địa lý với tình yêu sự nghiệp “trồng người”, các thầy, cô giáo đã cống hiến bằng cả trái tim. Còn nhớ trung tuần tháng 11 vừa qua, chúng tôi được mời dự Lễ trao quà từ thiện của Ðoàn thanh niên Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình cho học sinh Trường Tiểu học Pú Xi - xã khó khăn bậc nhất của huyện Tuần Giáo. Tại đây, đoàn trao gần 30 suất quà cho học sinh; hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để nâng cấp 2 phòng học, xây dựng các công trình phụ cho học sinh và giáo viên sinh hoạt. Thầy giáo Lò Văn Thân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pú Xi, chia sẻ: Trường có 10 điểm trường và 1 điểm trường trung tâm. Ðối với Ðiểm trường Hát Khoang, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, hơn nữa do cách xa trung tâm xã nên phải tổ chức cho học sinh học ghép: Ghép lớp 1 với lớp 2; lớp 3 với lớp 4 và lớp 5. Dù phải học lớp ghép nhưng những kiến thức mà thầy, cô truyền đạt đều được học sinh tiếp thu đầy đủ.

Thầy giáo Quàng Văn Hạm, người trực tiếp đứng lớp ở điểm trường Hát Khoang kể cho chúng tôi nhiều kỷ niệm về quá trình công tác và những năm tháng “cắm bản”. Thầy khẳng định: “Cuộc đời tôi sẽ chẳng còn gì là thú vị nếu mỗi ngày không được đứng trên bục giảng”. Nhìn ánh mắt thầy Hạm cùng những lời chia sẻ, chúng tôi hiểu rằng, cuộc sống dù khó khăn vất vả đến đâu, dù có giảng dạy ở bất cứ vùng cao nơi nào chăng nữa nhưng với thầy, chỉ cần được thấy học sinh mỗi ngày thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là nghị lực để thầy bám bản “trồng người”.

Ở nơi còn nhiều khó khăn như Pú Xi thì Ðiểm trường Hát Khoang chỉ là một trong số những bản khó khăn của xã. Bởi hiện nay, còn 4/11 điểm trường (Hát Láu, Hua Mùn, Thẩm Táng, Thẩm Pung) chưa có điện, vào mùa mưa được ví như “ốc đảo” bởi đường sá vô cùng khó khăn. Ấy vậy, các thầy, cô giáo vẫn không quản gian khó, một lòng vững tâm bám trụ vì học sinh thân yêu.

Là tỉnh miền núi, Ðiện Biên còn nhiều gian khó so với các tỉnh ở khu vực khác. Vì vậy, dù Pú Xi (huyện Tuần Giáo) hay Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) thì cũng chỉ là hai trong số rất nhiều xã khó khăn trên địa bàn mà hàng ngày các thầy, cô giáo vẫn đang cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Với gần 16.000 giáo viên, phân bổ cho 520 trường học trên địa bàn toàn tỉnh, cũng đồng nghĩa với việc có hàng nghìn giáo viên đang nỗ lực từng ngày bám lớp, bám bản “gieo chữ”. Dẫu vậy, chúng tôi tin rằng, dù khó khăn đến mấy, các thầy cô giáo cũng sẽ vượt qua để dâng cho đời những “đóa hoa” thơm - những “đóa hoa” đó sẽ là trụ cột tương lai của đất nước.

Quang Long
Bình luận
Back To Top