Góp phần xã hội hóa giáo dục

09:41 - Thứ Tư, 23/01/2019 Lượt xem: 10613 In bài viết

ĐBP - Hiện nay trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ có 2 trường mầm non và 8 nhóm trẻ tư thục phục vụ nhu cầu học tập cho gần 300 trẻ. Sự ra đời của các cơ sở mầm non ngoài công lập đã đáp ứng ngày càng cao nhu cầu gửi trẻ của người dân, góp phần hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục.

 

Một buổi ngoại khóa đi thăm và tìm hiểu về các di tích lịch sử tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ của cô và trò Trường Mầm non tư thục Rainbow.

Lựa chọn Trường Mầm non Rainbow để cho 2 con vào học (1 bé học nhà trẻ, 1 bé lớp 4 - 5 tuổi), chị Nguyễn Thu Trang, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) cho biết: Trung bình 1 tháng học phí của 2 con tôi khoảng 5 triệu đồng, nếu thuê người trông trẻ tôi cũng phải bỏ ra số tiền tương đương hoặc cao hơn, nhưng đa số những người được thuê đó không được trang bị về kiến thức và phương pháp sư phạm về chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Lý do tôi chọn trường tư thục để các con theo học vì đáp ứng được một số yêu cầu của gia đình như: Giờ đón trẻ sớm hơn và trả trẻ muộn hơn trường công lập, có tổ chức ăn sáng cho trẻ, nhận trông thêm cả thứ bảy và chủ nhật… những điều đó đều phù hợp với điều kiện công việc đi sớm về muộn và làm việc cả ngày cuối tuần của hai vợ chồng tôi.

Là một trong 2 trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố, Trường Mầm non Rainbow thuộc tổ 20, phường Mường Thanh có quy mô 8 phòng học, 1 phòng chức năng tổng hợp, 1 văn phòng nhà trường, công trình nước sạch, 4 nhà vệ sinh với số lượng trên 180 trẻ đang theo học. Ngoài cơ sở vật chất khang trang, nhà trường còn đa dạng hóa chương trình giáo dục với các phương pháp giáo dục sớm: Glenn Doman để kích thích, tăng cường phát triển trí não cho trẻ trong giai đoạn từ 0 - 3 tuổi và từ 3 - 6 tuổi; phương pháp Montessori nhằm trang bị kỹ năng sống, giúp trẻ hình thành nhân cách tốt, rèn luyện tính tự lập và tự do sáng tạo. Số giáo viên trong nhà trường dao động từ 25 - 30 người (tùy từng thời điểm). Các cô giáo đều là giáo viên trẻ, năng động, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhờ đó, chất lượng giáo dục qua 5 lĩnh vực về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ và phát triển tổ chức, kỹ năng xã hội của nhà trường luôn đạt trên 88%.

Trong số 3 nhóm trẻ tư thục được cấp phép, nhóm trẻ Phương Nam tại địa chỉ số 98, tổ 6, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) huy động tốt trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp. Từng là hiệu trưởng một trường công lập trên địa bàn thành phố, sau khi nghỉ hưu, với sự yêu ngành, yêu nghề, mến trẻ, năm 2015, bà Trần Thị Khánh đã xin cấp phép thành lập nhóm trẻ tư thục Phương Nam. Bà Khánh đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua thiết bị, đồ chơi, biển bảng, bàn ghế, các dụng cụ phục vụ nấu ăn, camera giám sát 24/24 giờ. Theo bà Khánh, mặc dù là nhóm trẻ tư thục nhưng nhóm trẻ Phương Nam luôn thực hiện các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ bám sát vào chương trình giáo dục mầm non Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành, Trẻ được quan tâm, nắm rõ từ hoàn cảnh, sự phát triển riêng từng cháu về trí tuệ, sức khỏe cũng như thể chất. Nhờ đó, số lượng trẻ theo học tại cơ sở dần tăng lên, từ 5 - 7 trẻ khi mới thành lập đến nay là gần 30 trẻ. Ðồng thời, nhóm trẻ cũng tạo việc làm cho 1 giáo viên và 1 bảo mẫu với mức lương từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay hệ thống trường, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn thành phố hiện đang làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong việc giải quyết việc làm cho hàng chục giáo viên. Cô giáo Phạm Thị Nga, giáo viên Trường Mầm non Rainbow chia sẻ: “Cơ hội để chúng tôi vào giảng dạy tại các trường công lập là rất khó. Do đó, chính các trường ngoài công lập đang giúp chúng tôi có việc làm, thu nhập để trang trải cuộc sống và được làm công việc mình yêu thích.

Theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Ðào tạo TP. Ðiện Biên Phủ, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các trường, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng lên rõ rệt về: an toàn thể chất và tinh thần cho trẻ, không để xảy ra ngộ độc; 100% trẻ tại trường, nhóm trẻ đều được cân đo, đánh giá trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng và khám sức khỏe định kỳ; 100% trường, nhóm trẻ thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, giúp trẻ đạt được các mục tiêu trong chương trình vào cuối mỗi độ tuổi; giáo viên có trình độ đạt chuẩn; cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện tối thiểu; tích cực tham gia các phong trào, hội thi do tỉnh, thành phố tổ chức. Trong điều kiện các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố khó mở rộng quy mô thì sự ra đời của các trường, nhóm trẻ tư thục đã góp phần giảm áp lực tuyển sinh, đặc biệt là các lớp nhà trẻ. Thống kê cho thấy, số lượng trẻ đang theo học tại các trường, nhóm trẻ tư thục chiếm hơn 3% số trẻ trong độ tuổi mầm non trên địa bàn thành phố; góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ 0 - 2 tuổi ra lớp từ 20,6% (năm học 2013 - 2014) lên hơn 43% (năm học 2017 - 2018). 

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top