Nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú

09:45 - Thứ Tư, 23/01/2019 Lượt xem: 12290 In bài viết

ĐBP - Huyện Ðiện Biên có 27 trường học có học sinh ở bán trú với tổng số 3.384 em; trong đó gồm 11 trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong các bữa ăn cho học sinh ở bán trú được Phòng Giáo dục và Ðào tạo quan tâm, đảm bảo mục tiêu học sinh có sức khỏe tốt, phát triển đồng đều cả về trí lực và thể lực.

 

Học sinh Trường PTDTBT THCS Núa Ngam chăm sóc vườn rau.

Học sinh bán trú hiện đang được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NÐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó: hỗ trợ tiền ăn là 40% mức lương cơ sở/1 học sinh; 15kg gạo/1 học sinh; hỗ trợ dụng cụ thể thao 100 nghìn đồng/1 học sinh/năm học; ngoài ra học sinh ở bán trú còn được miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập theo Nghị định 86/2015/NÐ-CP…

Ðể nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh ở bán trú, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện chỉ đạo các trường có học sinh ở bán trú tổ chức cho học sinh trồng rau xanh, chăn nuôi để làm phong phú bữa ăn tại trường vừa rèn luyện kỹ năng sống; thường xuyên thay đổi thực đơn hàng ngày để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; đối với mua bán hàng hóa cần hợp đồng với các đơn vị cung cấp có giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP được cấp có thẩm quyền cấp theo quy định. Hàng năm, Phòng chỉ đạo các trường tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP đối với bếp ăn tập thể theo hướng dẫn của ngành y tế; phối hợp với Chi cục VSATTP tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, nhân viên nấu ăn, tiếp phẩm của các trường có học sinh ở bán trú về quy trình, kỹ năng lựa chọn thực phẩm an toàn. Ðồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc đảm bảo VSATTP và thực hiện chế độ chính sách tại các trường.

Trường PTDTBT THCS Núa Ngam có 405 học sinh, trong đó 224 học sinh ở bán trú (100% là dân tộc Mông). Ðể hỗ trợ thêm vào bữa ăn cho học sinh bán trú được, các thầy, cô giáo nhà trường đã tận dụng triệt để quỹ đất trống để tổ chức cho học sinh bán trú trồng rau; tận dụng thức ăn thừa từ những bữa ăn để chăn nuôi. Thầy Tường Duy Trung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Núa Ngam cho biết: Theo quy định, mỗi tháng học sinh bán trú được hỗ trợ 556.000 đồng/học sinh và 15kg gạo trong 9 tháng học. Trung bình mỗi học sinh có 21.000 đồng tiền ăn/ngày. Ðể đảm bảo 3 bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và VSATTP, nhà trường có nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng. Ngoài mô hình trồng rau, chăn nuôi thì thực đơn bữa ăn của các em không để trùng món trong 1 ngày. Nhà trường hợp đồng với 3 đầu mối cung cấp thực phẩm đảm bảo VSATTP, thực phẩm nấu ăn hàng ngày đều là thực phẩm sạch, tươi. Ngoài ra, việc tổ chức cho các em trồng rau vừa giáo dục các em về kỹ năng sống, phục vụ bữa ăn bán trú thì tiền bán rau cho bếp ăn nhà trường còn giúp các em gây quỹ lớp. Từ những nguồn quỹ đó, học sinh được nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa như đi tham quan các di tích: Ðồi A1, Bảo tàng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hầm tướng Ðờ cát tơ ri… tạo thêm động lực để các em học sinh học tập. Dịp tết, Trường tổ chức tất niên cho học sinh bán trú, các em được tham gia gói bánh, nấu ăn. Với nỗ lực đó, chất lượng dạy và học của Trường từng bước được nâng cao; các phong trào luôn sôi nổi, thu hút học sinh nhiệt tình tham gia; tại Hội khỏe Phù Ðổng năm học 2017-2018, học sinh của Trường đạt 6 giải nhất môn bơi lội, giải nhì bóng chuyền nữ, giải ba cầu lông nữ.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top