Siết chặt quy định về hồ sơ, sổ sách trong trường học

09:02 - Thứ Sáu, 01/02/2019 Lượt xem: 7914 In bài viết

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa ban hành Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong trường học. Theo chỉ thị, lãnh đạo các cơ quan quản lý giáo dục, trường học tuyệt đối không được quy định hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách trái quy định; không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và giáo viên…

Theo quy định của điều lệ trường mầm non, đối với nhà trường, giáo viên hiện có 11 loại hồ sơ, sổ sách gồm: Sổ kế hoạch giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ như điểm danh, theo dõi sức khỏe, theo dõi đánh giá trẻ; sổ chuyên môn như dự giờ, tham quan học tập… Ở cấp tiểu học, đối với nhà trường, giáo viên có 14 loại hồ sơ, sổ sách; cấp THCS và THPT, đối với nhà trường, giáo viên có 22 loại hồ sơ, sổ sách. Một số loại hồ sơ, sổ sách chủ yếu như: Giáo án (bài soạn); sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ; sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên tiểu học); sổ chủ nhiệm… Tuy nhiên, thực tế hiện nay, giáo viên vẫn phải thường xuyên sử dụng thêm các loại sổ sách ngoài quy định; nhiều hồ sơ, sổ sách chồng chéo, trùng lặp về nội dung, yêu cầu. Thí dụ, cấp tiểu học, giáo viên đã có sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ, nhưng một số địa phương còn “vẽ” thêm “sổ tích lũy nghiệp vụ”, “sổ chuyên môn tổ”, “sổ chuyên môn khối”… Ngoài ra, đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm, thường xuyên phải ghi thêm kết quả học tập của học sinh trong “sổ sinh hoạt” trùng với sổ điểm cá nhân, sổ chủ nhiệm, sổ ghi kế hoạch giảng dạy… Việc quá nhiều sổ sách không chỉ gây tốn kém, lãng phí, khó khăn với các trường, mà còn khiến giáo viên mất nhiều công sức, gây áp lực và ảnh hưởng hiệu quả dạy học.

Ðây không phải lần đầu Bộ GD và ÐT yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách. Những năm qua, ngoài quy định hồ sơ, sổ sách trong điều lệ trường học các cấp, Bộ GD và ÐT cũng đã có ý kiến trong nhiều hội nghị hoặc công văn gửi các địa phương, cơ sở giáo dục chấn chỉnh, nhưng thực tế còn quá nhiều hồ sơ, sổ sách trong trường học. Một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng nêu trên kéo dài là do những lợi ích cá nhân, có được từ việc phát hành hồ sơ, sổ sách của một số cán bộ quản lý, cơ sở giáo dục. Mặt khác, phương pháp quản lý giáo dục thiếu sáng tạo, không hiệu quả ở một số địa phương, cơ sở giáo dục dẫn đến tùy tiện, việc gì cũng đòi hỏi phải có hồ sơ, sổ sách.

Vì vậy, bên cạnh việc ban hành chỉ thị nêu trên, Bộ GD và ÐT cần quy định chế tài xử lý nghiêm việc tùy tiện yêu cầu giáo viên sử dụng hồ sơ, sổ sách trái quy định. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện không đúng quy định. Các cơ quan quản lý giáo dục cần giám sát chặt chẽ, không để tình trạng các cơ sở in ấn, phát hành sổ sách trái quy định đưa vào nhà trường; xử lý nghiêm tình trạng vì lợi ích cá nhân, mà yêu cầu giáo viên phải sử dụng nhiều sổ sách. Ngành giáo dục cần có hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý giáo dục các cấp để thực hiện tốt các quy định trong nhà trường. Ðồng thời, các trường học nên thay đổi hình thức quản lý hồ sơ, sổ sách theo hướng cho phép giáo viên lựa chọn hình thức trình bày; tích cực sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử để tiết kiệm chi phí, thuận lợi trong quản lý, điều hành và khả năng thực hiện của giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top