Trường chuyên nghiệp khó tuyển sinh

17:10 - Thứ Năm, 14/02/2019 Lượt xem: 8911 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, bài toán tuyển sinh trong các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh dường như vẫn chưa có lời giải khi điệp khúc “không đạt kế hoạch” vẫn tiếp diễn…

Học viên học nghề vận hành máy thi công nền (Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên) trong giờ thực hành.

 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trường chuyên nghiệp (Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật và Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên). Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của ngành, các trường đều có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị giảng dạy, thực hành khá đồng bộ, hiện đại; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ, kinh nghiệm. Tuy nhiên các trường đều rơi vào tình trạng số học sinh, sinh viên đăng ký xét tuyển không đạt kế hoạch giao. Cụ thể, tuyển sinh đợt 1 năm học 2018 - 2019 số thí sinh nhập học tại các trường nói trên đều đạt thấp so với kế hoạch. Thậm chí, khá nhiều ngành, nghề đào tạo không tuyển được học sinh, sinh viên. Kết thúc đợt tuyển sinh trung cấp và cao đẳng chính quy đợt 1, năm học 2018 - 2019, Trường Cao đẳng Sư phạm có 147/300 thí sinh nhập học, đạt 49% (trong đó 6 lưu học sinh Lào). Trường Cao đẳng Y tế có 68/110 thí sinh nhập học hệ cao đẳng, đạt hơn 61,8% (trong đó 14 lưu học sinh Lào đào tạo trong ngân sách); 113/100 thí sinh nhập học hệ trung cấp, đạt 113% chỉ tiêu tuyển sinh (trong đó 33 lưu học sinh Lào đào tạo trong ngân sách). Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật có 62/180 thí sinh nhập học hệ cao đẳng, đạt 34,4% so với kế hoạch (trong đó 6 lưu học sinh Lào); 24/255 thí sinh nhập học hệ trung cấp, đạt chưa đầy 10% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Và với Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên tuy tỷ lệ tuyển sinh có khả quan hơn đối với hệ cao đẳng (87/100 thí sinh nhập học, đạt 87% kế hoạch giao), nhưng thí sinh nhập học hệ trung cấp cũng rơi vào tình trạng chung như các trường chuyên nghiệp khác trên địa bàn khi kết thúc đợt 1 tuyển sinh chỉ có 36/200 thí sinh nhập học (đạt 18%). Không chỉ khó tuyển sinh, số thí sinh nhập học không đạt chỉ tiêu được giao; các trường còn phải đối mặt với thực trạng đáng báo động là nhiều ngành, nghề đào tạo không có thí sinh đăng ký xét tuyển.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, kết thúc đợt tuyển sinh thứ nhất năm học 2018 - 2019, nhiều ngành, nghề cao đẳng tại các trường trên địa bàn không tuyển được học sinh, sinh viên. Cụ thể là ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm Mỹ thuật, Tin học Ứng dụng, Quản lý văn hóa, Quản trị văn phòng, Việt Nam học (Trường Cao đẳng Sư phạm); ngành Công tác xã hội, Kế toán doanh nghiệp, Lâm sinh (Trường Cao đẳng Nghề); ngành Khoa học cây trồng, Lâm nghiệp (Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật). Và hầu hết các ngành trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề tại các trường cao đẳng không tuyển được học sinh. Nhiều nhất là tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật với 11/12 ngành tuyển trung cấp chuyên nghiệp không tuyển được học sinh (duy nhất ngành chăn nuôi - thú y có 24 học sinh nhập học); Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên có 10/12 nghề đào tạo không tuyển được học sinh.

Trước thực trạng trên, các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu các ngành, nghề đào tạo cao đẳng, trung cấp đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút, tiếp tục tuyển sinh. Tiến sĩ Đoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên cho biết: Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhà trường xác định tuyển sinh là khâu quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Vì thế, công tác tuyển sinh luôn được chuẩn bị chu đáo; đồng thời giao chỉ tiêu tuyển sinh về các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc; khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy tham gia tuyển sinh. Nhà trường phối hợp với các phòng giáo dục - đào tạo, ban giám hiệu các trường THPT, trường DTNT THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện để chia sẻ thông tin và hỗ trợ tư vấn tuyển sinh; thông báo đường dây nóng tuyển sinh của trường để tư vấn trực tiếp cho thí sinh. Tích cực phân công cán bộ tuyển sinh trực tiếp tư vấn cho học sinh lớp 12 tại các trường học nhằm trang bị kiến thức; thông tin về cơ hội, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; chế độ chính sách mà học sinh, sinh viên được hưởng khi học tập tại trường… Nhờ đó kết quả tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm học 2018 - 2019 có chuyển biến tích cực, đến nay đã có 107 thí sinh nhập học hệ cao đẳng (đạt 107%); 106/200 thí sinh nhập học hệ trung cấp (đạt 53% kế hoạch giao); 95 học viên nhập học hệ sơ cấp…

Nói về những khó khăn trong công tác tuyển sinh tại các trường cao đẳng trên địa bàn, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Khó khăn đầu tiên phải kể tới đó chính là do cơ chế tự chủ trong tuyển sinh cho phép các trường đại học trong cả nước sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh nên phần lớn thí sinh đăng ký vào các trường đại học. Bên cạnh đó là nhận thức về nghề nghiệp của người dân còn hạn chế trong khi công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh của các trường cao đẳng chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả; tâm lý của bộ phận không nhỏ người học sau khi tốt nghiệp không muốn làm việc xa nhà, không muốn làm việc không đúng ngành, nghề đào tạo hoặc khó tìm việc làm đã ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp. Ngoài ra, là việc tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước rất ít trong những năm gần đây đã tác động không nhỏ đến nhu cầu đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo của các trường cao đẳng trên địa bàn. Chính vì vậy, cùng với việc thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS, các trường chuyên nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục khởi nghiệp, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp; đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo chuẩn “đầu ra”… để thu hút học sinh, sinh viên học các ngành, nghề cao đẳng, trung cấp phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top