Nhiều trường đại học đua nhau mở ngành học mới

09:56 - Thứ Sáu, 01/03/2019 Lượt xem: 5957 In bài viết

Năm 2019, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước đã bước vào “cuộc đua” mở thêm nhiều ngành mới theo hướng gắn với nhu cầu của thị trường lao động thời 4.0. Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của ngành học mới sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho thí sinh, song cũng sẽ rủi ro nếu người học chỉ chọn ngành theo tâm lý đám đông.

Theo thông báo tuyển sinh của ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), năm 2019 nhà trường tuyển sinh một số ngành đào tạo mới như Kỹ thuật Robot, Công nghệ Hàng không Vũ trụ, CNTT định hướng thị trường Nhật Bản. 

Tương tự, Đại học Khoa học Tự nhiên cũng tuyển sinh một số ngành học mới như Công nghệ kỹ thuật hạt nhân; Khoa học thông tin đa không gian. Khoa Y dược, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN tuyển sinh các chuyên ngành Dược học, cử nhân Y khoa, Răng hàm mặt; Khoa quốc tế tuyển sinh thêm ngành Kinh doanh quốc tế đào tạo bằng Tiếng Anh. 

ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng tuyển sinh thêm một số ngành đào tạo mới theo hướng đón đầu nhu cầu thị trường như Logictics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Quản lý dự án. Riêng hai ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Định phí Bảo hiểm & Quản trị rủi ro được học hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Năm 2019, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến tuyển sinh ngành Robot và trí tuệ nhân tạo với 20 chỉ tiêu. Dự kiến, trong năm đầu tiên, nhà trường tuyển sinh khoảng 20 chỉ tiêu. Đối tượng tuyển sinh là những học sinh giỏi, thi THPT quốc gia đạt từ 24 điểm trở lên ở khối A, A1 và ưu tiên học sinh trường chuyên. Sinh viên sẽ được miễn học phí, được đào tạo bằng tiếng Anh do giáo viên Việt Nam và quốc tế giảng dạy. 

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng tuyển sinh một số ngành mới như Quản trị thông tin và ngành Việt Nam học (dành cho người Việt Nam); chương trình chất lượng cao ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Khoa Y, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng mở thêm ngành Điều dưỡng và Răng hàm mặt bên cạnh ngành Y khoa và Dược học đã được tuyển sinh vài năm qua.

 

Cán bộ tuyển sinh đại học tư vấn về việc lựa chọn ngành học cho phụ huynh, học sinh. Ảnh minh họa

Còn theo thông báo tuyển sinh của trường ĐH Tôn Đức Thắng, bắt đầu từ năm 2019, nhà trường sẽ đào tạo ngành golf trình độ ĐH. Đây là một ngành học mới, đào tạo dựa trên nhu cầu có thật của một xã hội đang phát triển và hội nhập quốc tế. Sinh viên theo học ngành này có năng lực chuyên môn rộng và sâu trong ngành công nghiệp golf. Ngoài ra, nhà trường còn mở thêm một số ngành học mới khác đón đầu nhu cầu thị trường như Quản lý thể dục thể thao, Quản lý lao động và Quy hoạch vùng đô thị...

Theo TS Phạm Mạnh Hà -chuyên gia tư vấn tuyển sinh, Phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, việc các trường mở thêm các ngành mới là tín hiệu đáng mừng đối với giáo dục nước nhà, điều đó cho thấy các trường đang đi đúng hướng - đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn đời sống. 

Phân tích sâu hơn về cơ hội của thí sinh khi lựa chọn các ngành học mới theo hướng chuyên ngành hẹp, ông Phạm Mạnh Hà cho biết: “Nếu chọn lĩnh vực hẹp mà các bạn học sinh đã tìm hiểu kỹ cũng như có đam mê thực sự thì sau khi ra trường có cơ hội việc làm rất cao. Ngành càng hẹp bao nhiêu thì cơ hội xin việc làm càng dễ bấy nhiêu. Ngược lại, ngành càng rộng thì nhiều người học ngành khác vẫn làm được vì thế cơ hội cạnh tranh việc làm sẽ lớn hơn”. 

Tuy vậy, TS Phạm Mạnh Hà cũng lưu ý: “Nếu các em tìm hiểu kỹ và có năng lực thật sự, đáp ứng yêu cầu của các chuyên ngành hẹp thì hãy lựa chọn nó và hãy học tập tốt,  lúc ra trường cơ hội việc làm sẽ rất lớn. Chỉ sợ một điều, thí sinh chọn ngành hẹp mà không hiểu về nó, chọn theo kiểu chạy theo đám đông, theo phong trào thì sẽ rất nguy hiểm”.

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng cho rằng: Với những ngành mới, cơ hội và thách thức thường chia đều và ngang nhau. Thuận lợi của những ngành học mới này về cơ hội việc làm thì đã rõ nhưng điều dễ thấy là những ngành mới này chất lượng đào tạo có thể sẽ không được đảm bảo như những ngành truyền thống đã được đào tạo lâu năm. Chẳng hạn như đội ngũ giảng viên chưa được kiểm chứng nhiều qua thực tế, cơ sở vật chất chưa được chuẩn bị thật đầy đủ, kinh nghiệm quản lý cũng chưa có nhiều. Những yếu tố này có thể tạo ra rủi ro tiềm ẩn cho người học nên thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top