Nâng cao chất lượng tuyển sinh năm 2019

09:55 - Thứ Ba, 12/03/2019 Lượt xem: 6382 In bài viết

Hiện nay, các trường đại học trên cả nước đang tích cực triển khai hoạt động chuẩn bị tuyển sinh năm 2019. Nhiều điểm mới trong tuyển sinh được các trường công bố, đồng thời những quy định, quy chế của ngành giáo dục về xác định chỉ tiêu, phương pháp tuyển sinh… cũng có những thay đổi thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội.


Các em học sinh tìm hiểu thông tin trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2019 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Phương

Ðiểm mới đáp ứng nhu cầu xã hội

Ðiểm đáng chú ý trong tuyển sinh năm 2019, các trường đại học đã chú trọng hơn đến việc đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, không phải các trường đưa ra các điểm mới giống nhau mà mỗi trường đổi mới một cách theo thế mạnh của mình để thu hút sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo.

Năm 2019, Trường đại học Lâm nghiệp dự kiến tuyển sinh 2.800 chỉ tiêu ở 32 ngành đào tạo khác nhau. Theo PGS, TS Cao Quốc An, Trưởng phòng Ðào tạo (Trường đại học Lâm nghiệp), điểm đáng chú ý là trường mở mới ngành Du lịch sinh thái khi chưa có cơ sở đào tạo nào có ngành này. Quá trình làm việc của các khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu du lịch sinh thái cho thấy khách du lịch hiện nay, nhất là khách quốc tế, không chỉ quan tâm cảnh quan đẹp mà còn quan tâm đến vấn đề du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên… Tuy nhiên, nhân lực cho lĩnh vực nêu trên hiện nay chưa được đào tạo bài bản khiến nhiều đơn vị lúng túng. Vì vậy, nhà trường mở ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ngoài ra, điểm mới khác là trong số bảy khoa đào tạo của trường có ba khoa có các ngành: Lâm học, chế biến gỗ, thiết kế nội thất, kiến trúc cảnh quan… trong kỳ tuyển sinh năm 2019 sẽ xác nhận bảo đảm đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Trong khi đó, PGS, TS Bùi Ðức Triệu, Trưởng phòng Ðào tạo (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, năm 2019, trường bổ sung thêm bảy mã tuyển sinh cho các chương trình đào tạo mới. Bảy chương trình này đều học bằng tiếng Anh, đào tạo có tính liên ngành, tích hợp truyền thống với công nghệ thông tin, phân tích số, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong kỷ nguyên số hiện nay như: Kinh doanh số, khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh… Việc mở thêm các chuyên ngành mới trên cơ sở các nghiên cứu, tọa đàm, hội nghị, điều tra xã hội học cho thấy phần lớn các nước như Anh, Mỹ, Ô-xtrây-li-a… đã đào tạo các chương trình như nêu trên. Trong khi đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước cũng cho biết đang thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ số…

Năm nay, Trường đại học Ngoại thương sẽ tuyển khoảng 10% sinh viên từ các trường chuyên, dựa trên kết quả học tập và chứng chỉ quốc tế của thí sinh. Khi vào học, sinh viên sẽ học các chương trình bằng tiếng Anh. Theo TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Ðào tạo (Trường đại học Ngoại thương), các ngành nghề đào tạo của trường năm 2019 cơ bản không có thay đổi so với trước, tuy nhiên cách thức đào tạo sẽ được đổi mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu người học. Trong đó, trường chú trọng các chương trình đào tạo theo hướng chuyên sâu, phát triển các kỹ năng thông qua chương trình chất lượng cao, tiên tiến phối hợp với cơ sở đào tạo của Thụy Sĩ, Mỹ…

Tăng điều kiện bảo đảm chất lượng

Không chỉ các trường đại học tích cực đổi mới các hoạt động tuyển sinh, đào tạo nhằm thu hút người học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà trong các quy định, quy chế cũng có nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng. Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) năm 2019, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh có một số điểm mới đáng chú ý. Trong đó, cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội. Ðối với các ngành đào tạo mới được mở thì trong năm đầu, chỉ tiêu tuyển sinh không vượt quá 30% năng lực đào tạo theo quy định. Những ngành chưa kiểm định sẽ không được tăng chỉ tiêu hoặc được tăng không quá 10% so với năm trước. Trong việc xác định chỉ tiêu, các trường cũng phải dựa vào tiêu chí sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp ra trường để xác định tỷ lệ tăng chỉ tiêu là bao nhiêu… Ngoài ra, trong năm 2019, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh có tính đến sinh viên bị sàng lọc khi đã nhập học nhưng sau thời gian đào tạo không đáp ứng được yêu cầu. Ðáng chú ý, một số vấn đề liên quan sơ tuyển, xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của một số nhóm ngành đào tạo giáo viên, nhóm ngành sức khỏe… cũng có một số điểm mới.

Theo PGS, TS Trần Quang Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp, hiện nay quan tâm của phụ huynh và thí sinh khác so với trước đây rất nhiều, không còn tâm lý phải vào đại học bằng mọi giá mà quan trọng là đầu ra, cơ hội việc làm. Vì vậy, phụ huynh thí sinh hiện nay khá cân nhắc trong việc đăng ký xét tuyển cho nên các trường đại học sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Mặt khác, giáo dục đại học đang theo xu hướng quốc tế, nhất là các nước phát triển châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong đó, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước mà tăng quyền tự chủ của các trường. Ðể đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay cần tăng các điều kiện bảo đảm, nâng cao chất lượng đào tạo, cho nên những thay đổi trong quy định về tuyển sinh của Bộ GD và ÐT là hợp lý để bảo đảm sự công bằng và loại trừ tiêu cực.

PGS, TS Bùi Ðức Triệu cho rằng, những quy định mới trong tuyển sinh năm 2019 tạo thuận lợi và phù hợp thực tiễn của các trường hơn. Thí dụ việc quy định xác định chỉ tiêu có tính đến 10% sinh viên bị sàng lọc trong quá trình đào tạo là khá hợp lý. Những năm gần đây, trung bình mỗi khóa, Trường đại học Kinh tế quốc dân có khoảng 7 - 8% sinh viên bị sàng lọc chứ không phải cứ đỗ vào trường là tốt nghiệp tất cả. Ngoài ra, việc đưa tiêu chí tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm với việc giám sát của Bộ GD và ÐT sẽ giúp các trường chú trọng hơn nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội…

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top