Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Hết lòng vì học sinh vùng cao

10:04 - Thứ Sáu, 15/03/2019 Lượt xem: 7230 In bài viết

Năm 2013, đang công tác tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, thầy Nguyễn Xuân Thuận được giao nhiệm vụ mới là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ. Với thầy Nguyễn Xuân Thuận khi ấy, lo lắng nhiều át hết niềm vui. Không ngại đường xa dặm thẳm, trường xa lớp khó, điều khiến thầy Thuận trăn trở nhất chính là phòng học, nơi ăn chốn ở của học sinh ở Nậm Pồ quá tạm bợ…

Kể cho chúng tôi nghe về cơ sở vật chất ngày tiếp quản, thầy Thuận nhớ như in thời điểm năm 2013 khi Nậm Pồ mới được thành lập, toàn huyện có 4/37 trường học đạt chuẩn quốc gia; các xã mới tách đều chưa có trường, lớp học riêng biệt cho nên phải học nhờ nhà dân, trụ sở của các xã; một số trường đã có chủ yếu tạm bợ, xuống cấp. Với số học sinh, giáo viên thời điểm đó, thầy Thuận đã tính, năm học 2013-2014 toàn huyện cần tu sửa, dựng tạm 163 phòng học, 210 phòng nội trú cho học sinh ăn ngủ tại trường. Xác định được đầu bài mà chưa tìm ra lời giải khiến thầy Thuận và đồng nghiệp nhiều đêm liền mất ngủ. Sau đó thầy ngược xuôi hết ra tỉnh rồi về huyện, cuối tuần lại tranh thủ về từng trường, điểm bản gặp bà con để vận động học sinh ra lớp và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân cho chủ trương “góp vật liệu làm lớp học, nhà ở cho học sinh”. Sự lăn lộn của thầy Thuận như luồng gió cứ tự nhiên cuốn các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh vào cuộc. Suốt mấy tháng liền giáo viên huyện Nậm Pồ như không có ngày nghỉ; cuối tuần, các em học sinh cấp THCS cũng tình nguyện ở lại trường để cùng thầy, cô giáo và cha mẹ làm phòng học, nhà ở. Thương thầy, cô giáo và học sinh, nhân dân trong khu vực và chính quyền các xã cũng tìm mọi cách hỗ trợ. Tiền không có, mọi người bảo nhau góp gỗ, góp công; nhiều gia đình dù khó khăn vẫn nằng nặc xin được góp gạo phục vụ người làm trường. “Đón nhận tình cảm, tấm lòng ủng hộ của nhân dân trên địa bàn, chúng tôi xúc động lắm. Tình cảm của người dân nghèo ở huyện nghèo như ngọn lửa tiếp thêm nhiệt huyết cho các thầy, cô. Tôi tự nhủ, phải cố gắng làm mọi việc để đáp lại tình cảm của bà con” - thầy Nguyễn Xuân Thuận xúc động nói.

Năm 2014, thầy Thuận cùng tập thể Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ mạnh dạn tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020, trong đó có mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học theo tiêu chuẩn ba cứng, trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực hiện mục tiêu này, thầy Thuận đã quyết định thành lập các tổ công tác đến từng điểm bản, điểm trường nắm thực trạng, nhu cầu của nhà trường và khả năng huy động từ nhân dân. Bản thân thầy Thuận cũng trực tiếp nhận trách nhiệm điều tra, vận động tại một điểm trường để làm và rút kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ, giáo viên.

Căn cứ ngân sách được giao, thầy Thuận công bố rõ kế hoạch, chủ trương và cách làm đến cán bộ quản lý; trên cơ sở trường nào khó khăn thì hỗ trợ nhiều hơn, trường nào thuận lợi hơn thì kêu gọi ủng hộ từ nhân dân, phụ huynh với phương châm đỡ chi phí bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Vật liệu sẵn có tại địa phương, như: ván gỗ, cát, sỏi đều tự khai thác; công san nền, dựng nhà do giáo viên, phụ huynh góp sức làm. Bằng cách làm như thế và với sự vào cuộc tận tâm, nhiệt tình của thầy Thuận và đội ngũ cán bộ, giáo viên huyện Nậm Pồ, đến nay cơ ngơi của ngành giáo dục Nậm Pồ đã thay đổi rõ rệt. Cuối năm học 2017-2018, toàn huyện đã tu sửa, làm mới 318 phòng học, phòng làm việc đạt tiêu chuẩn ba cứng: mái cứng, nền cứng, khung cứng. 375 phòng nội trú, 21 bếp ăn tập thể, 49.329 m2 sân bê-tông, 23.000 m tường rào, 31 sân khấu nhà trường, 105 nhà vệ sinh tại các trường học được làm mới bằng sự ủng hộ, công sức của nhân dân và nhiều nhà hảo tâm. Để có được thành quả ấy, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ hơn 12 tỷ đồng; thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh góp hơn 10.000 ngày công và hỗ trợ 1.500 ván gỗ, hơn 5.000 khối cát, sỏi. Cơ sở vật chất được đầu tư hoàn thiện, chất lượng dạy và học ngày càng tốt hơn, đến năm học 2018 - 2019, toàn huyện Nậm Pồ đã có 20/40 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Một con số ấn tượng đánh dấu bước chuyển vượt bậc của sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở một huyện nghèo của Điện Biên.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top