Nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

09:14 - Thứ Sáu, 29/03/2019 Lượt xem: 10129 In bài viết

ĐBP - Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet; xã hội hiện đại tác động từ nhiều phía đến học sinh. Vì vậy, ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông (THPT) thì việc được giáo dục những kỹ năng sống (KNS) là cần thiết trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách của các em.

 

Hiện nay, việc dạy KNS cho học sinh chủ yếu dừng lại ở việc tích hợp trong tiết sinh hoạt, chào cờ. Trong ảnh: Giờ sinh hoạt của học sinh lớp 12C4, Trường PTDT Nội trú tỉnh.

Xác định được tầm quan trọng của việc giáo dục KNS, trên cơ sở các văn bản, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo; Sở Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo cùng các tài liệu hướng dẫn việc lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục KNS, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường phổ thông. Ðến nay, giáo dục KNS đã trở thành vấn đề được hầu hết các nhà trường trên địa bàn tỉnh quan tâm và đưa vào triển khai. Ðặc biệt, tăng cường các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT, PTDTBT như: Tổ chức các hoạt động đầu năm học cho học sinh, nhất là với học sinh đầu cấp; giáo dục, hướng dẫn học sinh thực hiện tốt nội quy khu nội trú, nội quy phòng ở, quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng lối sống văn minh thanh lịch; tăng cường các hoạt động giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục KNS, kiến thức pháp luật; nâng cao nhận thức của học sinh về đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm khi có cháy...

Trường PTDT Nội trú tỉnh là một trong những đơn vị làm tốt công tác giáo dục KNS cho học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Phó hiệu trưởng Trường cho biết: Hiện nay, toàn trường có 17 lớp với trên 560 học sinh ở nội trú. Phần lớn các em là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên hạn chế về kỹ năng giao tiếp, khả năng phán đoán chưa cao, tính thích ứng với môi trường không tốt, thụ động trước vấn đề của cuộc sống đặt ra, thiếu hụt nhiều KNS cơ bản. Cùng với sự phát triển của mạng internet, điện thoại thông minh, các thông tin khó kiểm soát trên các trang mạng xã hội… là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới học sinh bỏ học, bạo lực học đường, yêu sớm, nghiện game online và nhiều hành vi lệch chuẩn khác của học sinh trung học đang ngày càng gia tăng. Khi mới vào trường, nhất là học sinh đầu khóa ngoài việc phải hướng dẫn các KNS sống cơ bản nhất bắt đầu từ vệ sinh cá nhân, dạy học sinh biết vâng lời, lễ phép, kính trọng người lớn, sống có trách nhiệm trung thực, thật thà, khiêm tốn, biết cảm thông, chia sẻ giúp đỡ người khác, biết quý lao động, thói quen ngăn nắp, thói quen đọc sách đúng giờ; nhà trường còn dạy cho các em kỹ năng nâng cao (nhận thức bản thân, lắng nghe, thấu cảm, xác định mục tiêu và các kỹ năng giải quyết vấn đề, ứng phó với bắt nạt, kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn...) Ðồng thời, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, như: Tham quan các điểm di tích lịch sử, các nghệ nhân văn hóa và đặc biệt cho học sinh tham gia các hoạt động làm vườn, trồng rau... ở khu vườn thực nghiệm của nhà trường. Ðể từ đó các em ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Nhờ đó, KNS của học sinh nhà trường ngày càng hoàn thiện, nâng cao…

Việc dạy KNS cho học sinh trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh hiện nay còn mang tính lý thuyết, hình thức chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả. Cụ thể, một số kỹ năng quan trọng (kỹ năng thoát hiểm khi có cháy, kỹ năng bơi lội, cứu người đuối nước…) hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền lý thuyết là chính, chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như kinh phí để tổ chức thực hành. Chưa có phân tiết cụ thể cho việc dạy giáo dục KNS cho học sinh mà chủ yếu tích hợp trong các môn hoc, các các tiết sinh hoạt lớp, chào cờ, tổ chức các ngày lễ trong năm học nên hạn chế về thời gian. Giáo viên chủ yếu chỉ tập trung cho chuyên môn, giảng dạy nên việc truyền đạt các kiến thức về giáo dục KNS còn hạn chế, chưa thu hút được sự quan tâm, hứng thú từ phía học sinh...

Từ thực tế hiện nay, đặt ra yêu cầu cần thay đổi nhận thức của xã hội, phụ huynh và nhất là các trường học trong việc rèn luyện KNS, phòng chống thương tích cho học sinh. Các em không chỉ học lý thuyết, có kiến thức mà cần phải học KNS và thực hành tốt các kỹ năng đó. Ðòi hỏi các cơ quan chức năng, đơn vị có thẩm quyền cần xem xét coi giáo dục KNS cho học sinh là môn học chính khóa trong các trường THPT, phân tiết cụ thể và có giáo viên dạy KNS riêng…

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top