Trường học ở đâu trong cuộc chiến bảo vệ học sinh?

08:53 - Thứ Ba, 02/04/2019 Lượt xem: 8174 In bài viết

Ngay sau khi đoạn video clip ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh lột đồ, đánh đập dã man một bạn học cùng lớp vừa xảy ra tại Trường THCS Phù Ủng (tỉnh Hưng Yên) lan truyền trên mạng xã hội, từ Thủ tướng, Chính phủ đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Hưng Yên đã kịp thời có các chỉ đạo “nóng” xử lý nghiêm những người có trách nhiệm. 

 

Học sinh tham gia một buổi vui chơi ngoài trời. Ảnh: Thu Tâm

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là ngành giáo dục sẽ rút ra bài học gì sau sự việc đau lòng nói trên, và đâu là giải pháp trị căn bệnh bạo lực học đường đã và đang có dấu hiệu mãn tính trong trường học?  

Khoảng trống về giáo dục kiến thức pháp luật và kỹ năng cho học sinh

Nhìn nhận lại sự việc, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB-XH), cho biết, để xảy ra bạo lực giữa các học sinh trong trường mà giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường không nắm được là điều không thể chấp nhận. Việc bạo hành bạn học đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và thân thể học sinh, trở thành vấn đề rất đáng báo động trong mối quan hệ giữa các học sinh với nhau. Sự việc cũng cho thấy vấn đề tâm lý học đường cần được quan tâm nhiều hơn nữa, trong đó tăng cường dạy kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng lên tiếng cho học sinh có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực.

Cụ thể, vị này kiến nghị trường học phải thường xuyên cập nhật kiến thức, những vấn đề ngoài xã hội để giáo dục học sinh, dạy các em kỹ năng đối phó với những vấn đề đang nảy sinh ngoài xã hội. “Vụ việc đau lòng ở Hưng Yên cho thấy khoảng trống về dạy kiến thức pháp luật, giáo dục giới tính cho học sinh, nhất là lứa tuổi đang phát triển mạnh sự tò mò, hiếu kỳ. Thực tế, nhiều em không ý thức được mình sẽ bị trừng phạt thế nào khi có hành vi xâm hại bạn khác. Do đó, để hạn chế bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em, trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật, chế tài và những biện pháp xử lý đã được áp dụng đối với các thủ phạm, tội phạm trong các vụ bạo lực, xâm hại tình dục để có tính răn đe học sinh”, đại diện Cục Trẻ em cho biết. 

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ, bạo lực học đường là vấn đề không mới, đã tồn tại từ lâu và có chiều hướng lặp đi lặp lại. “Dù có nhiều ý kiến cho rằng sau vụ việc, cách chức cả ban giám hiệu là hơi nặng nhưng tôi cho rằng mức phạt này là hình thức để cảnh tỉnh các cơ sở giáo dục phải tăng cường quản lý, không để xảy ra các sự việc tương tự”, TS Nguyễn Viết Chức khẳng định. Để xảy ra bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân, trong đó trách nhiệm không chỉ từ phía nhà trường mà còn do ảnh hưởng từ những hình ảnh xấu đang lan truyền ngoài xã hội như người lớn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, sẵn sàng giải quyết với nhau bằng bạo lực khi nảy sinh mâu thuẫn. Ông cho biết thêm, học sinh ngày nay phát triển nhanh về mọi phương diện, kể cả thể chất lẫn tâm sinh lý. Đặc biệt, lứa tuổi học sinh THCS đang ở giai đoạn phát triển chưa ổn định về nhân cách, lối sống dẫn đến nhận thức chưa đúng mực, dễ nảy sinh hành vi bạo lực. Khi xảy ra sai phạm thì nhà trường phải bị xử lý, vì nhà trường, thầy cô là người được gửi gắm để giáo dục học sinh mà để xảy ra vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm. Nhưng nếu chỉ khoán trắng cho thầy cô giáo là không ổn vì trẻ còn chịu tác động từ gia đình. Nếu trong gia đình bố mẹ hung hãn, mâu thuẫn, đánh chửi nhau thì con cái không thể ngoan được. Rộng hơn nữa là những ảnh hưởng từ môi trường xã hội, nếu người lớn không thể nêu gương tốt, thấy sự bất bình không can ngăn thì bạo lực có thể xảy ra ở bất cứ đâu. 

Người thầy phải chủ động vào cuộc!

Trong vai trò cán bộ quản lý trường học, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng, nhà trường không chỉ có trách nhiệm quản lý học sinh trong giờ học hoặc trong khuôn viên trường mà còn quan tâm học sinh sau khi các em rời khỏi lớp học như nhắc nhở các em về nguy cơ bị trộm cắp tài sản, xâm hại ở cổng trường, thậm chí trên đường từ trường trở về nhà nếu học sinh gặp sự cố có thể liên hệ với nhà trường để kịp thời phối hợp cùng gia đình giải quyết sự cố cho các em. Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cũng thừa nhận hiện nay giáo dục trong nhà trường đang quá chú trọng dạy chữ hơn dạy người, chạy theo thành tích, nặng nề kết quả thi cử khiến học sinh cuống cuồng trong guồng quay học thêm, không còn thời gian đầu tư cho việc nâng cao các kỹ năng sống.

Do đó, để trị bệnh bạo lực học đường từ gốc, cơ quan quản lý cần xem lại cấu trúc chương trình cũng như hình thức tổ chức thi cử, trong đó đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng thực chất, giảm áp lực cho người học. Ông Phú lý giải, việc học sinh dễ bị lôi kéo bởi các trào lưu trên mạng xã hội hiện nay là do các em cần có một “kênh” giải tỏa tâm lý khi việc học trở nên quá áp lực. Khi bắt chước hay hưởng ứng một hành động nào đó, các em đơn giản cảm thấy vui, muốn thể hiện bản thân chứ không nhìn thấy hết tác hại của những trào lưu đó. Để định hướng lại nhận thức và lối sống cho học sinh, trường học cần trước hết đẩy mạnh các hoạt động Đoàn, Đội, tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh giúp học sinh giải tỏa áp lực học hành. Mặt khác không nên cấm đoán các em sử dụng điện thoại di động mà thay vào đó hướng các em sử dụng vào những mục tiêu có ích như tìm kiếm thông tin bài học, tham khảo các phần mềm dạy học trực tuyến…

Đồng quan điểm, TS Vũ Thị Thu Huyền, giảng viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, bày tỏ, để định hình nhân cách, lối sống lành mạnh cho học sinh, nhà trường chiếm vai trò quan trọng; nhưng nhiệm vụ này nhà trường không thể làm một mình mà cần sự kết hợp với gia đình và xã hội. Trong đó, song song với việc tạo ra môi trường vật chất (gồm trang thiết bị, sân chơi, bãi tập) để học sinh được phát triển và hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh còn phải tạo môi trường tâm lý ổn định (sự quan tâm, chia sẻ thường xuyên của giáo viên, là chỗ dựa tinh thần cho học sinh khi các em gặp khó khăn nhưng không thể chia sẻ với cha mẹ).

TS Vũ Thị Thu Huyền nhấn mạnh, phòng tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh nhưng hiện nay không phải trường nào cũng có, hơn nữa một cán bộ tư vấn tâm lý không thể nào hỗ trợ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn học sinh. Do đó, từ chính trong mỗi lớp học, các thầy cô giáo phải tham gia vào quá trình định hình nhân cách cho học sinh. “Hiện nay có một hạn chế nhất định trong khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của một bộ phận không nhỏ giáo viên. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi những chuyển biến căn cơ hơn về mặt chương trình, hình thức tổ chức giảng dạy từ các bộ, ngành, cần sự chủ động vào cuộc, tự rèn luyện để trau dồi kỹ năng, phương pháp giảng dạy, phát huy tối đa trách nhiệm của một người thầy đối với học sinh”, TS Vũ Thị Thu Huyền bày tỏ.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top