An toàn bếp ăn trường học trong “cơn sốt”

08:53 - Thứ Năm, 04/04/2019 Lượt xem: 9998 In bài viết

ĐBP - Vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học luôn là mối quan tâm của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, sự việc vừa qua tại Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) khi một số phụ huynh phát hiện thịt lợn chế biến bữa ăn cho học sinh tại trường bị nổi hạch, có dấu hiệu của lợn nhiễm sán, thịt gà cũng bị thối rữa… đã tạo làn sóng dư luận bức xúc trong cả nước. Bữa ăn trường học, thay vì là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ mỗi ngày, bỗng trở thành mối đe dọa lớn đối với nhiều bậc phụ huynh về vấn đề sức khỏe của con em mình. Họ giật mình và trở nên hoang mang khi tự đặt câu hỏi: “Con mình ăn gì ở trường?”.

 

Nhân viên nấu ăn Trường PTDTBT - THCS Sa Dung, xã Sa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) chuẩn bị bữa ăn cho học sinh bán trú.

Mặc dù không phải là tâm điểm của vụ việc đáng tiếc vừa qua, song phụ huynh tại rất nhiều trường học ở tỉnh ta đã không giấu nổi sự bức xúc và cũng “chột dạ” về bữa ăn ở trường của con em mình. Họ bỗng trở nên hoài nghi và lo lắng khi lâu nay vẫn “khuất mắt trông coi” trước bữa ăn của trẻ. Tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng phụ huynh cho con em mình nghỉ học vì tâm lý lo sợ, nhất là đối với bậc học mầm non.

Chị Nguyễn Thị Hường, một phụ huynh có con đang theo học tại Trường Mầm non thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) chia sẻ: “Những ngày qua, tôi và nhiều phụ huynh hết sức lo lắng, có thời điểm chúng tôi định cho con nghỉ học. Mặc dù chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến bữa ăn của con em mình không được đảm bảo, song chúng tôi cũng không biết được bọn trẻ ăn gì tại trường. Chỉ cần trường học thiếu kiểm soát một chút là thực phẩm bẩn có thể xâm nhập vào ngay. Mà con em chúng tôi là người trực tiếp hứng chịu chứ không phải ai khác”.

Thừa nhận thực trạng này, lãnh đạo phòng giáo dục của nhiều địa phương trong tỉnh cũng cho biết, không chỉ có ý định cho trẻ nghỉ, hay dừng không ăn tại trường, mà thậm chí có bậc phụ huynh đã trực tiếp yêu cầu giáo viên cho con em họ nghỉ học. Vẫn biết, những hoang mang lo lắng của các bậc phụ huynh là hợp lý và không phải vô căn cứ. Song việc cho con em mình nghỉ học cũng không phải là giải pháp tối ưu. Bởi lẽ, nếu nghỉ thì nghỉ đến bao giờ? Việc học hành gián đoạn, trẻ sẽ tiếp thu kiến thức ra sao?... “Giáo viên của chúng tôi đã phải trực tiếp giải thích, tuyên truyền và cam kết với từng bậc phụ huynh để họ bớt hoang mang và yên tâm hơn. Nhất định không để ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Chính vì thế những cam kết về bữa ăn an toàn cho trẻ lại càng phải được thắt chặt hơn” - ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé cho biết.

Hàng năm, nguồn kinh phí để thực hiện chế độ bữa ăn cho trẻ tại trường đã được ngành Giáo dục cấp trực tiếp về các cơ sở trường học. Việc sử dụng kinh phí đó như thế nào, đặt mua thực phẩm ở đâu, thực phẩm có đảm bảo không, là do các trường tự chủ, dưới sự giám sát của những người có trách nhiệm. Tuy nhiên, sự giám sát này không thể thực hiện hàng ngày, mà cái chính là trách nhiệm của mỗi cơ sở trường học. Ðó là lý do đôi lúc ở một số nơi vẫn xảy ra các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trường học, mà vụ việc ở Bắc Ninh vừa qua là “cú sốc” lớn cho ngành Giáo dục và phụ huynh cả nước. Chỉ cần những người có trách nhiệm tắc trách, hoặc tham lam, thì “thực phẩm bẩn” có thể xâm nhập vào bếp ăn trường học bất cứ lúc nào.

Rõ ràng, không phải chỉ sau khi xảy ra các vụ việc đáng tiếc, thì chúng ta mới quan tâm đến vấn đề này. An toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn trường học từ trước tới nay vẫn được ngành Giáo dục địa phương đặc biệt quan tâm, thể hiện qua rất nhiều văn bản chỉ đạo và các cuộc thanh tra, kiểm tra các cấp hàng năm. Và ngay sau vụ việc cụ thể ở Bắc Ninh vừa qua, thì ngành Giáo dục lại tiếp tục ban hành văn bản chấn chỉnh và tăng cường kiểm tra, giám sát. Ngoài việc nhắc nhở, chấn chỉnh lại hoạt động của các bếp ăn tập thể trong trường học do các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất thực hiện, thì trách nhiệm của những người đứng đầu đã một lần nữa được nhấn mạnh hơn. “Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của tỉnh, phòng đã khẩn trương ban hành văn bản gửi về các trường, yêu cầu thắt chặt kiểm soát an toàn thực phẩm trong từng bữa ăn cho học sinh. Trong đó, phòng giao toàn bộ cho các hiệu trưởng, để họ nâng cao ý thức, trách nhiệm giám sát hàng ngày. Nếu để xảy ra các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm thì hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho bất cứ lý do nào khác. Chỉ có thế mới thắt chặt và đòi hỏi nâng cao trách nhiệm từ cấp cơ sở” - ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng  phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé nhấn mạnh.

Cùng với những công văn chỉ đạo từ các cấp, mỗi đơn vị trường học ở cơ sở cũng thắt chặt việc kiểm soát nguồn cung cấp và chất lượng thực phẩm nấu ăn cho học sinh. Tại nhiều địa phương, tất cả nguồn thực phẩm đầu vào mỗi ngày hiện nay đều có sự giám sát của hiệu trưởng. Sau 7 giờ, và chỉ khi hiệu trưởng đã trực tiếp giám sát xong, đảm bảo an toàn thì mới được mang vào bếp chế biến.

Ðối với các trường học trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ thì tiếp tục củng cố, tăng cường hơn hoạt động và vai trò của tổ kiểm tra, giám sát, mà trong đó có cả phụ huynh. Các tổ giám sát nghiêm ngặt từ khâu nhập thực phẩm đầu vào, quá trình chế biến và phân phát thức ăn… Mỗi bữa ăn, các nhà trường đều lưu lại mẫu thực phẩm để có thể tiến hành kiểm tra, xét nghiệm bất cứ lúc nào khi có yêu cầu từ cấp trên hay các bậc phụ huynh nếu nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo.

Còn tại một số trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhà trường phát động và triển khai thực hiện tốt phong trào tăng gia sản xuất để tự cung cấp nguồn thức ăn cho học sinh.

Có thể nói, những vụ việc xảy ra thời gian vừa qua chính là hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn trường học. Ðã có rất nhiều kế sách được các bậc phụ huynh và những người liên quan đưa ra. Song có thể khẳng định rằng, không kế sách nào đảm bảo bằng chính lương tâm, trách nhiệm của những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các trường học. Ai sẽ là người có thể kiểm tra, giám sát được lương tâm, trách nhiệm của họ? Và liệu chúng ta có đủ lòng tin tuyệt đối với những người có trách nhiệm sau rất nhiều vụ việc xảy ra vừa qua? Ðể giải quyết những thắc mắc và nghi ngại này, một chỉ đạo mới được ngành Giáo dục Trung Quốc đưa ra, đó là yêu cầu hiệu trưởng trực tiếp ăn cùng học sinh tại các bếp ăn tập thể, cũng có thể xem là một gợi ý về giải pháp đáng lưu tâm.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top