Thực hiện sắp xếp, sáp nhập trường, lớp học

Kết quả bước đầu và những khó khăn, bất cập

08:47 - Thứ Năm, 11/04/2019 Lượt xem: 11341 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang thực hiện việc sáp nhập, thu gọn bộ máy hoạt động. Qua đó, giảm đầu mối quản lý, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế chi ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tại một số đơn vị xuất hiện những khó khăn, bất cập…

 

Học sinh Trường Tiểu học Noong Luống, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) học tập, vui chơi trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang. Ảnh: Anh Nguyễn

Kết quả bước đầu...

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã gấp rút triển khai thực hiện công tác rà soát sắp xếp trường, lớp học. Ðồng thời, ban hành Ðề án số 234/ÐA-SGDÐT, về việc kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Ðào tạo giai đoạn 2018 - 2021. Theo đó, đến năm 2021 khối các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở sẽ thực hiện sáp nhập, giảm 10% đơn vị sự nghiệp công. Ðến nay, đơn vị đã bàn giao 7 Trung tâm GDTX huyện để thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Khối các phòng Giáo dục và Ðào tạo đã có một số đơn vị sự nghiệp đang thực hiện việc sáp nhập. Năm 2018, huyện Ðiện Biên sáp nhập giảm được 3 đơn vị trường. Thông qua việc sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ đã góp phần tinh giản tổ chức bộ máy, giảm dần nhu cầu bổ sung biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, từ đó giảm nguồn chi thường xuyên, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy. Việc sáp nhập cơ sở giáo dục, dồn dịch học sinh tại các điểm trường lẻ về trường trung tâm sẽ làm tăng tỉ lệ học sinh/lớp, giảm số lớp, qua đó giảm nhu cầu bổ sung biên chế giáo viên; học sinh khi đưa về trung tâm sẽ thuận tiện cho công tác quản lý, giảng dạy, nâng cao chất lượng đời sống học sinh bán trú…

Ông Nguyễn Ðức Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðiện Biên cho biết: Việc sáp nhập trường, lớp học trên địa bàn huyện thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng: Giảm đầu mối trường học, số lượng người làm việc. Năm 2018, huyện giảm 3 đơn vị trường, giảm 8 cán bộ quản lý, 8 nhân viên; giảm chi ngân sách khoảng 2 tỷ đồng. Sau sáp nhập các trường đi vào hoạt động bình thường; các trường nhỏ trở thành các trường lớn nên vấn đề sinh hoạt chuyên môn, hội thảo được thuận lợi hơn…

...Và những bất cập nảy sinh

Bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi, trên thực tế hoạt động tại các trường học sau sáp nhập cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập về: Chế độ chính sách; giải quyết đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư. Cụ thể sau khi sáp nhập Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Pa Thơm và Trường THCS Pa Thơm thành Trường Tiểu học và THCS Pa Thơm, giáo viên tiểu học không còn chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với học sinh bán trú, trong khi hàng ngày giáo viên vẫn phải đảm nhiệm công việc, như trước. Ngoài ra, sau sáp nhập còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các trường do chưa giảm được biên chế. Theo Ðề án, Trường Tiểu học số 1 xã Noong Luống và Tiểu học số 2 xã Noong Luống sau khi sáp nhập thành Trường Tiểu học xã Noong Luống sẽ dôi dư 5 cán bộ công chức, viên chức. Cụ thể là 1 hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng, 1 giáo viên, 1 kế toán, 1 bảo vệ, 1 nhân viên. Nhưng thực tế chỉ chuyển được 2 cán bộ, giáo viên sang trường khác; 1 nhân viên vẫn giữ biên chế tại trường nhưng tăng cường sang trường khác còn lại 2 cán bộ, giáo viên được giữ lại trường do điều kiện thực tế địa phương. Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Trần Quang Ngư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Noong Luống cho biết: Thực tế cho thấy việc sáp nhập 2 trường tiểu học tuy có thay đổi về quy mô, về số lượng giáo viên và cán bộ quản lý nhưng hoạt động của trường nào vẫn diễn ra ở trường ấy như cũ. Ðơn giản như lễ chào cờ, vẫn phải tổ chức riêng, số lượng học sinh, lớp học vẫn giữ nguyên; 2 cơ sở cách xa nhau nên khó khăn cho công tác quản lý về chuyên môn và cơ sở vật chất nên trường đã tham mưu với UBND huyện xin giữ lại 1 phó hiệu trưởng và 1 bảo vệ (vì trước đấy là một trường độc lập lên cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng đầy đủ, khang trang theo quy định).

Ngoài ra việc sáp nhập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vì không biết mình đi đâu, về đâu... Hay việc sáp nhập giữa 2 cấp tiểu học và THCS có những khó khăn về quỹ thời gian vì cấp tiểu học được nghỉ thứ bảy, trong khi cấp THCS vẫn học bình thường nên muốn họp hội đồng, họp chuyên môn việc bố trí thời gian sẽ rất khó khăn, nếu bố trí vào chủ nhật ảnh hưởng đến chế độ nghỉ của giáo viên; chưa kể là các điểm trường cách nhau quá xa...

Trao đổi về những khó khăn trong việc sáp nhập trường, lớp học trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo cho biết: Ðiều kiện cơ sở vật chất của các trường trung tâm chưa đủ để đáp ứng yêu cầu khi thực hiện công tác rà soát, sắp xếp, dồn dịch lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể như: số phòng học tạm còn nhiều; hệ thống phòng học chức năng, thư viện, thí nghiệm, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, sân chơi, bãi tập, nhà ban giám hiệu, công trình vệ sinh, công trình nước và các hạng mục phụ trợ khác chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học; các cơ sở giáo dục thường ở vị trí cách xa nhau, nên sau khi sắp xếp, sáp nhập vẫn phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tại cơ sở cũ, do vậy gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo. Một số địa phương như TX. Mường Lay cơ sở vật chất trường lớp đã được đầu tư xây dựng kiên cố, kể cả các điểm trường lẻ; nên khi sáp nhập, dồn dịch học sinh từ điểm trường lẻ về trung tâm sẽ gây lãng phí trong việc sử dụng cơ sở vật chất.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top