Bắt nạt trực tuyến đang có xu hướng gia tăng

15:19 - Thứ Năm, 18/04/2019 Lượt xem: 7708 In bài viết

Bạo lực học đường đang có diễn biến phức tạp, trong đó, bắt nạt là vấn đề hiện đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên các quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý trong khi các vụ việc bắt nạt truyền thống (bắt nạt mặt đối mặt) có xu hướng giảm thì số lượng các vụ việc bắt nạt trực tuyến (qua mạng internet) có xu hướng tăng và trở thành vấn đề phổ biến của thanh thiếu niên hiện nay.

 

Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc bảo đảm an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 17-4, PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra những thông tin từ các nghiên cứu về vấn nạn bạo lực học đường.

Dẫn số liệu của UNESCO (2017), PGS, TS Trần Thành Nam cho biết tỷ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hằng năm lên đến 246 triệu người trên toàn thế giới. Tỷ lệ học sinh ở độ tuổi từ 11 đến 15 bị lạm dụng và bạo lực ở 30 quốc gia dao động từ 9% đến 73% (Nghiên cứu của Craid và Harel tiến hành năm 2004).

Số liệu của Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát trên năm quốc gia là Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy cứ 10 học sinh thì có 7 em từng trải nghiệm bạo lực học đường. Quốc gia có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực cao nhất là Indonesia (84%); thấp nhất là Pakistan với 43%. Chỉ tính trong 6 tháng (10-2013 đến 3-2014), số học sinh bị bạo lực (ở mọi hình thức: tinh thần, thể xác...) tại trường học của Indonesia là 75%. Việt Nam đứng thứ hai với 71%. Tại Trung Quốc, số liệu báo cáo do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối Cao Trung Quốc tuyên bố trong 11 tháng đầu năm 2016, có 2.337 học sinh bị kết tội vì gây bạo lực học đường. Tại Nhật Bản, khảo sát năm 2016 của Bộ GD-ĐT nước này cho thấy số vụ bắt nạt ở cấp tiểu học và trung học tăng lên mức kỷ lục là 224.540 trường hợp, tăng hơn 36.400 trường hợp so với năm 2015. Còn tại Hàn Quốc, theo khảo sát được thực hiện bởi Quỹ Phòng chống bạo lực thanh thiếu niên Hàn Quốc (vào tháng 11 và 12 năm 2009) có đến 22% học sinh tiểu học và THCS bị bắt nạt ở trường. Cho đến năm 2016, số lượng học sinh tiểu học bị bạo lực học đường chiếm đến 67% số các vụ bạo lực học đường.

Nghiên cứu của Zhang, Musu-Gillette, Oudekerk công bố năm 2016 cho thấy xu hướng bạo lực học đường tại Mỹ có xu hướng giảm mạnh từ khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 2004, giảm nhẹ và đi ngang từ năm 2004 đến 2010 và lên xuống trong giai đoạn từ 2010 đến 2014. Về bắt nạt học đường, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có khoảng 21% học sinh lớp 9 – 12 là nạn nhân của bắt nạt trong 12 tháng, trong đó học sinh nữ có tỷ lệ bị bắt nạt là 24% và học sinh nam là 16%. Tỷ lệ trẻ từ 12-18 tuổi báo cáo bị bắt nạt học đường trong các năm 2005, 2009, 2011 là khoảng 28%, trong năm 2007 là 32% và trong năm 2013 khoảng 22% (Zhang và cộng sự 2016).

PGS, TS Trần Thành Nam cho biết, cũng liên quan đến bắt nạt học đường, cùng với xu hướng giảm của các vụ việc bắt nạt truyền thống (bắt nạt mặt đối mặt) thì số lượng các vụ việc bắt nạt trực tuyến (qua mạng internet) có xu hướng tăng và trở thành vấn đề phổ biến của thanh thiếu niên hiện nay. Theo nghiên cứu của Patchin & Hinduja (2016) từ năm 2007 đến 2016, tỷ lệ cá nhân bị bắt nạt trực tuyến một số thời điểm trong cuộc đời tăng lên gần gấp đôi (18% đến 34%).

Trước thực trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới đã triển khai các giải pháp chương trình chiến lược quốc gia về vấn đề này. Đơn cử như Hàn Quốc đã ban hành luật chống bạo lực và bắt nạt học đường vào năm 2004; hay Philippines cũng ban hành đạo luật chống bắt nạt (2016) đề cập đến cả bắt nạt truyền thống và bắt nạt trực tuyến, Australia có Khung chuẩn quốc gia về trường học an toàn (2004); hay Thụy Điển có Luật chống phân biệt (2009) và Luật giáo dục sửa đổi (2010) cấm tất cả các hình thức phân biệt và bắt nạt ở trường học; Đạo luật về bạo lực học đường trong Luật giáo dục của Chile (2011); Singapore có đạo luật phòng chống quấy rối... Ở Mỹ thì không có riêng một điều luật về phòng chống bạo lực và bắt nạt nhưng tất cả các nội dung này đều được quy định trong các điều luật về nhà trường, luật về môi trường trường học an toàn và không có chất gây nghiện; đạo luật về môi trường cộng đồng an toàn thân thiện.

 

Dẫn nguồn UNESCO (2017), PGS, TS Trần Thành Nam cho rằng, bạo lực học đường là một trong những vấn đề của toàn cầu. Bạo lực học đường bao gồm: bạo lực về mặt thể chất, bao gồm cả trừng phạt thân thể (là các hành vi sử dụng vũ lực hay áp lực gây ra đau đớn về thể xác cho một người nào đó nhưng không nhằm gây thương tích); bạo lực tâm lý, trong đó có lạm dụng bằng lời nói; bạo lực tình dục, trong đó có cưỡng hiếp và quấy rối; và bắt nạt, bao gồm cả bắt nạt truyền thống (trực tiếp) và bắt nạt trực tuyến (trên mạng internet). Bắt nạt – một loại bạo lực, là những hành vi lặp lại, bắt nạt được định nghĩa là hành vi gây hấn không được mong muốn của học sinh, trong đó tồn tại sự mất cân bằng quyền lực hoặc nhận thức về sự mất cân bằng quyền lực. Bắt nạt truyền thống mặt đối mặt và bắt nạt trực tuyến là vấn đề hiện nay đang báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên các quốc gia trên thế giới. Bạo lực học đường và bắt nạt có thể xảy ra ở trong và ngoài lớp học, chung quanh trường học, trên đường đi tới trường và trên môi trường mạng internet. Trong trường học, bắt nạt thường xảy ra ở những nơi như nhà vệ sinh, phòng thay đồ, sân chơi, lớp học trống tiết, hoặc những không gian khuất, nơi mà học sinh thường ít có sự giám sát của giáo viên và nhân viên nhà trường. Thủ phạm của bạo lực học đường và bắt nạt có thể là học sinh, giáo viên hoặc nhân viên trong trường học, và nó có thể xảy ra ở cả trên đường đi học và trong trường bởi những thành viên khác của cộng đồng rộng lớn hơn.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top