Chống bạo lực học đường, lấy phòng ngừa làm chính

08:44 - Thứ Sáu, 19/04/2019 Lượt xem: 8555 In bài viết

ĐBP - Sáng 17/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường với sự tham gia của 63 điểm cầu tại 63 tỉnh thành và trên 600 điểm cầu tại các huyện, thị, thành phố. Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tại điểm cầu Trung ương. Tại điểm cầu Điện Biên, đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại điểm cầu Điện Biên. Ảnh: Anh  Nguyễn

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia đã báo cáo tình hình triển khai hiện nay và kế hoạch đảm bảo an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường trong thời gian tới; mô hình phòng, chống bạo lực học đường kinh nghiệm từ nghiên cứu quốc tế. Theo đó, một số nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay là: Tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường; sự bùng nổ của internet, mạng xã hội, tràn lan các thông tin xấu, độc; chưa làm chủ được không gian mạng; tình trạng bạo hành gia đình, sự thay đổi tâm sinh lý ở tuổi học sinh; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai các văn bản hướng dẫn của Bộ về phòng, chống bạo lực học đường; vẫn còn tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo.

Qua thảo luận, đại biểu đưa ra những giải pháp, kế hoạch về phòng chống bạo lực học đường hiện nay: Đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống, tâm lý học vào các trường, cơ sở giáo dục làm môn học chính khóa; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn phấn đấu để mỗi thầy, cô giáo là các nhà tâm lý học, mỗi trường học thực sự là trung tâm văn hóa, giáo dục, chứ không phải là nơi dạy kiến thức thông thường; các trường sư phạm cần nghiên cứu, dự báo trước các tình huống sư phạm, bạo lực học đường có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời…

Phát biểu tại điểm cầu Điện Biên, đồng chí Lê Văn Quý đã đưa ra một số giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản, chỉ thị, quy định của Bộ, Trung ương từ đó, các cơ sở giáo dục phải cụ thể hóa tổ chức thực hiện; Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông cần kiểm soát, xóa bỏ các nội dung thông tin xấu, phim ảnh có nội dung bạo lực, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục; phòng chống bạo lực học đường cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội...

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Bộ tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đơn vị, địa phương, giải quyết trong khả năng cho phép; đồng thời kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết các ý kiến liên quan đến chế độ, chính sách. Bộ trưởng đề nghị, qua buổi hội thảo các địa phương tiếp thu những nội dung về triển khai tại địa phương; phải xây dựng ngay kế hoạch phòng chống bạo lực học đường tại các địa phương và các cơ sở giáo dục; quyết tâm xử lý nghiêm những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Đẩy mạnh truyền thông về tuyên truyền, nhận diện, phòng chống bạo lực học đường; tuyên truyền gương người tốt việc tốt; bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất nhà giáo. Từng bước đẩy lùi bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh. 

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top