Đổ xô đầu tư trường phổ thông

10:34 - Thứ Ba, 07/05/2019 Lượt xem: 8380 In bài viết

Những năm gần đây, rất nhiều trường đại học (ĐH) đầu tư và mua các trường phổ thông liên cấp (từ tiểu học, THCS cho đến THPT). Việc đầu tư này liệu có phải là tín hiệu tích cực, hay đằng sau đó là sự toan tính vì mục tiêu lợi ích kinh tế?

Ráo riết lập trường

Chưa khi nào trường phổ thông liên cấp lại được các trường ĐH đầu tư ráo riết như hiện nay. Trước đây, Trường ĐH Tân Tạo (Long An) khi thành lập trường đã mở ngay trường THPT với tham vọng chọn học sinh xuất sắc của tỉnh để đào tạo từ lớp 10 đến lớp 12; đằng sau đó là mong muốn tạo nguồn cho Trường ĐH Tân Tạo. Tuy nhiên đến nay, trường ĐH lây lất qua các mùa tuyển sinh thì trường THPT này cũng không được ai biết đến nhiều. 

Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn thuộc Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Á Châu (GAIE) thành lập năm 1999 cũng có hệ thống Trường Quốc tế Á Châu (AIS), với bậc tiểu học IPS và bậc trung học AHS. Hệ thống giáo dục của tập đoàn này từ bậc tiểu học cho đến ĐH. 

 

Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan sẽ tuyển sinh trong tháng 9-2019.

Năm 2017, Trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS) được thành lập trực thuộc Tập đoàn Giáo dục Văn Lang (chủ đầu tư Trường ĐH Văn Lang), giảng dạy chương trình song ngữ từ tiểu học, THCS đến THPT. 

Tháng 4-2019, Trường ĐH Công nghệ TPHCM chính thức thông báo sở hữu Trường liên cấp song ngữ Quốc tế Hoàng Gia - Royal Bilingual International School (tại số 8 Đặng Đại Độ, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM). Với mô hình song ngữ quốc tế liên cấp, trường đào tạo theo tiêu chuẩn Cambrigde (tiền thân là Trường Mầm non song ngữ Quốc tế KinderStar được thành lập năm 2011). 

Trong tháng 9 tới, Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ chính thức tuyển sinh từ lớp 1 đến lớp 12 cho Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (đào tạo theo chương trình của Phần Lan). Trường đầu tư hơn 25 triệu USD để xây dựng trường phổ thông ngay trong khuôn viên của trường ĐH tại quận 7. Tất cả trang thiết bị và dụng cụ dạy học và giáo viên đều từ Phần Lan. 

Năm 2015, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM giải thể Trung tâm Giáo dục thường xuyên (đào tạo học sinh học văn hóa và học nghề). Tuy nhiên, đến nay trung tâm này hoạt động lại với tên gọi Trung tâm Giáo dục phổ thông (tuyển sinh từ lớp 10 đến lớp 12). 

Không đứng ngoài xu thế đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và một số trường ĐH, cao đẳng khác cũng đang ráo riết tìm mua và đầu tư hệ thống trường phổ thông. Trước khi sở hữu các trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐH Hoa Sen, ĐH Gia Định, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng đã đầu tư vào hệ thống trường phổ thông. Và hiện nay, tập đoàn này đào tạo từ phổ thông đến ĐH.  

Nhằm mục tiêu gì? 

Theo đại diện Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), việc đầu tư vào trường phổ thông nhằm tạo môi trường giáo dục phổ thông theo đúng chuẩn quốc tế. Trường chọn giáo dục Phần Lan vì đây là quốc gia có hệ thống giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới.

Mục tiêu không chỉ là tuyển thẳng những học sinh của VFIS vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng, mà xa hơn là muốn mang đến cho học sinh Việt Nam môi trường giáo dục phổ thông tốt. Đồng thời, trường cũng sẽ là môi trường để các sinh viên ngành sư phạm đến thực tập, học hỏi kinh nghiệm.    

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), đánh giá: “Việc một số trường ĐH mua lại trường phổ thông tư thục, nếu đảm bảo chất lượng ở cả hệ phổ thông và giáo dục ĐH tốt hơn thì cũng nên khuyến khích, để tư nhân đầu tư tốt hơn cho giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, việc lấn sang thị phần giáo dục phổ thông để tăng nguồn thu cũng cho thấy bài toán tài chính giáo dục ĐH đang còn nhiều vấn đề”.

Về việc các tổ chức giáo dục đầu tư theo hệ thống từ hệ phổ thông, thậm chí từ mẫu giáo, tiểu học, đến ĐH đang diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây, Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, nhận định: “Nếu xét về khía cạnh nhà đầu tư thì đây là chiến lược tạo nguồn và mở rộng quy mô đầu tư. Các nhà đầu tư không thể đầu tư vào nhiều trường ĐH, cao đẳng được do bị trùng phân khúc và hiện nay cũng đã có sự cạnh tranh quyết liệt, nên họ cần tìm những phân khúc khác để đầu tư. Thực ra, với cách đầu tư theo hệ thống như thế này sẽ tốt hơn nhiều so với việc một số nhà đầu tư chưa đủ lực mà vừa đầu tư vào trường học, vừa đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác không có liên quan”.

Hệ thống giáo dục nhiều cấp là tốt nếu mục tiêu giáo dục được đặt lên hàng đầu, và sẽ nguy hại nếu chỉ vì mục đích đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế cũng sẽ dẫn đến tình trạng có nhà đầu tư mở rộng quy mô nhanh và sau đó “bán” hoặc lên sàn.

Đây thực sự là mối nguy hại cho giáo dục, vì để đánh giá chất lượng, hiệu quả trong giáo dục thì vẫn cần nhiều thời gian. Các nhà đầu tư dạng này sẽ không đầu tư vào đội ngũ, chương trình, mà chủ yếu đầu tư vào diện mạo, vào truyền thông để thu hút người học và sau đó thì “bán” để thu lại vốn đầu tư.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top