Không sử dụng mạng xã hội làm ảnh hưởng môi trường giáo dục

10:38 - Thứ Ba, 07/05/2019 Lượt xem: 8709 In bài viết

Trước một số ý kiến cho rằng, Quy định “không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa phù hợp, ảnh hưởng đến quyền bày tỏ quan điểm của cá nhân, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa thông tin: Nội dung trên được quy định tại Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12-4-2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. 

 

Thông tư có hiệu lực từ ngày 28-5-2019 và sẽ là một thiết chế quan trọng để các nhà trường tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng văn hóa trường học, trong đó xác định vai trò, trách nhiệm, quy định ứng xử cụ thể cho tất cả các chủ thể trong nhà trường. 

Trước khi xây dựng quy định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cân nhắc, tham khảo các quy định, luật có liên quan và có đánh giá, khảo sát khách quan về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với giới trẻ, trong đó có học sinh. Bên cạnh việc khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin tích cực phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và giải trí, Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT nhằm định hướng giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội vào những việc tiêu cực. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Quy định “không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” nhằm định hướng giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm và lành mạnh, chứ không có nghĩa là cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu những ý kiến đó có cơ sở và mang tính chất xây dựng. 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, khi Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo quán triệt tới các cơ quan quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường học, giáo viên, học sinh nghiên cứu kỹ về mục đích, ý nghĩa, các quy định của Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT để xây dựng và thực hiện hiệu quả các quy tắc ứng xử trong nhà trường, trong đó, cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên cần là những người nêu gương thực hiện quy tắc ứng xử. 

Việc sửa đổi, bổ sung nội dung của các quy tắc ứng xử phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức quán triệt, triển khai Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT tại địa phương và sẽ hướng dẫn, hỗ trợ, lắng nghe ý kiến từ cơ sở trong quá trình thực hiện.  

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top