Tăng cường phối hợp, giám sát tại kỳ thi THPT quốc gia

14:41 - Thứ Tư, 15/05/2019 Lượt xem: 7662 In bài viết
Ngày 14-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Hội nghị nhằm giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các địa phương; quán triệt, thống nhất các công việc cần triển khai trong thời gian tới, lưu ý quy trình tổ chức kỳ thi.

Thời điểm này, các địa phương, các trường đại học được phân công nhiệm vụ đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, tập huấn nghiệp vụ coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra. Các địa phương để xảy ra sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đặc biệt quan tâm các khâu chuẩn bị kỳ thi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy cho biết, rút kinh nghiệm từ vụ việc gian lận xảy ra tại địa phương năm 2018, năm nay, Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La quán triệt nghiêm túc quy chế thi đến cán bộ, giáo viên và học sinh. Đến nay, đã có sáu trường đại học được Bộ GD và ĐT phân công về Sơn La kiểm tra và phối hợp tổ chức kỳ thi.

 

Giờ ôn tập của học sinh Trường THPT Yên Khánh A (huyện Yên Khánh, Ninh Bình).

Một cách làm mới trong công tác tổ chức kỳ thi tại một số tỉnh, thành phố như Hà Giang, Hải Phòng, Đác Lắc… là bên cạnh việc thành lập ban chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo thi cấp quận, huyện, thị xã để tăng cường trách nhiệm, công tác tổ chức. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết, đã và đang rà soát thành viên ban chỉ đạo, những người liên quan đến gian lận điểm thi năm 2018 sẽ không được tham gia kỳ thi năm nay. Theo Bộ GD và ĐT, đến nay, hệ thống phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được hoàn thiện, nâng cấp theo hướng khắc phục những hạn chế, bất cập xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Bộ GD và ĐT đã tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi, tuyển sinh cho các sở GD và ĐT, các trường đại học, cao đẳng; tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm cho các sở GD và ĐT và hơn 80 trường đại học, cao đẳng.

Nhiều địa phương băn khoăn quy định tính điểm xét công nhận tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT chia cho 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì tỷ lệ 50% chia cho 50% như trước đây) sẽ dẫn tới tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất, cần ra đề thi phù hợp để bảo đảm việc xét tốt nghiệp đối với những học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT. Bộ GD và ĐT cho biết, quy định mới về tính điểm xét công nhận tốt nghiệp nhằm kiểm tra kết quả học tập sau 12 năm của học sinh, dựa nhiều vào học bạ như các năm trước chưa hẳn khách quan.

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, các địa phương, trường đại học được giao nhiệm vụ phối hợp, tổ chức kỳ thi cần thực hiện nghiêm túc với tinh thần “phòng hơn chống”. Việc tổ chức kỳ thi mỗi năm đều có điểm mới, cần tránh chủ quan. Việc tập huấn, các địa phương phải thực hiện bài bản, theo hướng dẫn của Bộ. Các trường đại học cũng cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên. Theo quy chế thi, mỗi cán bộ giám sát không quá bảy phòng thi, nhưng nếu có điều kiện thì có thể tăng cường thêm người; có phương án dự phòng đối với cán bộ, giáo viên, giảng viên bị ốm. Ở mỗi điểm thi, cần kịp thời sửa chữa, khắc phục tường rào, khu vực thi, phòng thi xuống cấp... Ngoài ra, rút kinh nghiệm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, công tác thanh tra thi năm nay tiếp tục được thực hiện nghiêm túc ở các khâu. Cán bộ, công chức, viên chức không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi. Người tham gia thanh tra, kiểm tra phải làm việc liên tục tại vị trí được phân công và báo cáo trưởng đoàn thanh tra kịp thời về lý do vắng mặt tại địa điểm thanh tra, kiểm tra. Ban chỉ đạo thi T.Ư quyết định thành lập các đoàn kiểm tra phân chia đến tất cả các địa phương do các thứ trưởng và một số lãnh đạo cục, vụ làm trưởng đoàn.

Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, mặc dù nhiều giải pháp kỹ thuật và công nghệ đã được điều chỉnh, bổ sung nhằm tăng cường khả năng giám sát, phát hiện và xử lý, song, yếu tố con người mới là khâu đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng yêu cầu, Ban chỉ đạo thi các địa phương được thành lập, kiện toàn cần xác định rõ trách nhiệm, có kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể tới từng thành viên, tăng cường phối hợp và giám sát lẫn nhau. Đối với cán bộ làm thi, nhất là coi thi, chấm thi, tránh cử nhầm người thiếu chuyên môn, phẩm chất, tránh để xảy ra những thiếu sót, sơ hở, khoảng trống hoặc tình trạng đông người nhưng không có phân công, phân nhiệm rõ ràng, không có người chịu trách nhiệm…

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top