Đột phá để cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp

09:44 - Thứ Năm, 23/05/2019 Lượt xem: 7472 In bài viết

Bài 1: Trao quyền tự chủ cho các cơ sở

Ðổi mới giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Việc lựa chọn các giải pháp khả thi, mang tính đột phá là điều sống còn của hệ thống GDNN trong thời gian tới. Trong đó, quy hoạch lại mạng lưới, giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN công lập được xem là các giải pháp nội tại, để nâng cao chất lượng đào tạo và tăng sức cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo.

 

Học sinh Trường trung cấp nghề dân tộc tỉnh Quảng Ngãi thực hành tại Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải. Ảnh: Vũ Thái Bình

Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả

Có thể nói, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 được ban hành thay thế cho Luật Dạy nghề năm 2006 là một bước đột phá, nhằm thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GDNN, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên diện mạo mới của hệ thống GDNN ở Việt Nam.

Từ ngày 1-1-2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) chính thức tiếp nhận chuyển giao công tác quản lý nhà nước về GDNN, tiếp nhận toàn bộ trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường cao đẳng (CÐ) từ Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Sau hơn hai năm chuyển giao, bộ máy quản lý nhà nước về GDNN được kiện toàn từ T.Ư tới địa phương. Việc quản lý được thực hiện theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương và tăng tính tự chủ, đi đôi với tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDNN. Theo đó, khi tiếp nhận, hệ thống GDNN có 1.989 cơ sở (gồm: 409 trường CÐ, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm GDNN), đến cuối năm 2018, đã giảm xuống còn 1.954 cơ sở (bao gồm 394 trường CÐ, 515 trường trung cấp và 1.045 trung tâm GDNN). Mặc dù đã có những kết quả bước đầu, nhưng trên thực tế, mạng lưới cơ sở GDNN vẫn còn bất cập về phân bố giữa các vùng, miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; quy mô đào tạo của nhiều trường còn nhỏ; thậm chí việc sáp nhập cơ sở GDNN ở một số địa phương mang tính hành chính, cơ học, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau sắp xếp...

Trước thực tế nêu trên, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng để sắp xếp lại hệ thống GDNN. Ðể thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư Ðảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN phải theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, vùng, miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa và có phân tầng chất lượng.

 

Học sinh các trường THCS trên địa bàn quận 9 (TP Hồ Chí Minh) tham quan mô hình học tập tại Trường cao đẳng Kỹ nghệ II TP Hồ Chí Minh.

Nhìn nhận những định hướng chính trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng GDNN (Bộ LÐ-TB và XH) Nguyễn Hồng Minh cho biết, sẽ kiên quyết giải thể các trường trung cấp, CÐ hoạt động không hiệu quả; từng bước sáp nhập trường trung cấp công lập vào trường CÐ công lập (trước mắt thực hiện đối với các trường trung cấp có hơn 50% ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường CÐ trên địa bàn); sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm GDNN thành một cơ sở GDNN trên địa bàn cấp huyện và hợp tác chặt chẽ với các trường CÐ, trung cấp để tổ chức đào tạo..., nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ như hiện nay. Bên cạnh đó, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia thành lập cơ sở GDNN, khuyến khích thành lập mới các cơ sở GDNN ngoài công lập và có vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường xã hội hóa các cơ sở GDNN ở các địa bàn tiềm năng. Tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia)...

Ðẩy mạnh tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình

Thực hiện các quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 43/2006/NÐ-CP ngày 25-4-2006, các cơ sở GDNN đã có những chuyển biến tích cực, các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực GDNN đã chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng kinh phí.

Tuy nhiên, giải bài toán tự chủ và trách nhiệm giải trình một cách triệt để, hiệu quả, cần có lộ trình và sự nỗ lực từ cả cơ quan quản lý nhà nước và chính các cơ sở GDNN công lập. Các cơ sở GDNN công lập hiện nay gặp không ít vướng mắc trong tự chủ về tài chính, bộ máy, hoạt động đào tạo... Tự chủ về tài chính (tức là tự chủ về các nguồn thu, chi theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy) được xem là yếu tố mang tính quyết định và quan trọng nhất. Nhưng trên thực tế, các cơ sở GDNN công lập mới chỉ tự chủ ở mức hạn chế, phần thu vẫn còn nhiều trói buộc, nhất là về học phí. Với mức học phí quy định hiện tại, nhiều trường không đủ bù đắp chi phí để đào tạo có chất lượng, không bảo đảm hoạt động thường xuyên dẫn tới tự chủ tài chính không thực chất... Ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn là nguồn thu chính của các cơ sở GDNN công lập, hệ quả là thiếu nguồn lực để phát triển. Ðối với việc tổ chức bộ máy và nhân sự, do vướng cơ chế cơ quan chủ quản, các cơ sở GDNN công lập không được tự quyết định nhân sự, biên chế dẫn đến khó tự chủ bộ máy...

PGS, TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ LÐ-TB và XH) cho rằng, cùng với tự chủ, các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm giải trình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giải trình với xã hội, trong đó có doanh nghiệp về chất lượng đào tạo của mình...

Là một trong những cơ sở GDNN đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ, Hiệu trưởng Trường CÐ nghề Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh chia sẻ: Nhà trường xác định thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm với người học, với doanh nghiệp, với xã hội và chính nhà trường là giải pháp đột phá giúp nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của trường. Bên cạnh nguồn thu từ NSNN cấp, nhà trường đã đẩy mạnh các hoạt động sản xuất dịch vụ, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa các sản phẩm do giáo viên và sinh viên sản xuất, thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo... để tăng nguồn thu. Từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện thu nhập cho cán bộ, giáo viên, tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo…

Thực tế, cơ sở GDNN được khuyến khích đăng ký tự chủ, nhưng vẫn bị "bó" về chỉ tiêu đào tạo, học phí, lệ phí… dẫn đến tình trạng thu không đủ bù chi cho nên khó trang trải chi phí hoạt động, chưa nói tới việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên còn mang tính bình quân, hoặc theo cơ chế "xin - cho"… Với các vướng mắc chung đó, Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh cũng đề nghị, Bộ LÐ-TB và XH và các bộ, ngành liên quan cần sớm có các văn bản quy định về thực hiện cơ chế tự chủ trong lĩnh vực GDNN. Cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho thực hiện tự chủ. Sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ để tăng cường tính tự chủ trong hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường, nhằm tạo sự linh hoạt thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của trình độ nghiên cứu khoa học - công nghệ và yêu cầu của thị trường lao động. Xây dựng tiêu chí và mức độ quan hệ giữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDNN.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật GDNN, các cơ sở GDNN được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo để áp dụng cho cơ sở mình. Ðồng thời, để triển khai hệ thống GDNN mở, đa dạng, linh hoạt, cùng với các quy định hướng dẫn về đào tạo chính quy, Bộ LÐ-TB và XH đã ban hành ba thông tư quy định về: đào tạo thường xuyên; đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa, tự học, có hướng dẫn tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở GDNN xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo; điều kiện cho người học ở các lứa tuổi có cơ hội được học liên tục, học suốt đời nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần xây dựng xã hội học tập.

 

Để nâng cao chất lượng GDNN, mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, có 40 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó khoảng từ ba đến năm trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Phấn đấu giảm tối thiểu 10% số cơ sở GDNN công lập, trong đó số lượng trường trung cấp giảm tối thiểu 15%; có ít nhất 10% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính. Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% số cơ sở GDNN công lập so với năm 2021; có tối thiểu 20% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính…

(Còn nữa)

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top