Khơi thông tự chủ để đại học phát triển

14:43 - Thứ Tư, 12/06/2019 Lượt xem: 8340 In bài viết

Các trường đại học (ĐH) đang ráo riết thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc chuẩn bị áp dụng thực thi Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và bổ sung (gọi tắt là Luật số 34) kể từ ngày 1-7. Trong đó, có nhiều nội dung nổi bật như buộc phải kiện toàn lại hội đồng trường (HĐT), sửa đổi các chiến lược phát triển, quy chế tổ chức cho phù hợp với quy định của luật mới.

 

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm.

Và để thực hiện theo đúng tinh thần của Luật số 34, để các trường ĐH thật sự phát triển thì không chỉ các trường mà các bộ ngành cũng phải tuân thủ theo quy định của luật này.

Cởi trói

Xuyên xuốt các điều của Luật số 34 là tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH (gọi tắt là trường ĐH) trong những vấn đề như chuyên môn, nhân sự, tài chính... PGS-TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Luật số 34 là cơ sở rất tốt để tạo điều kiện cho giáo dục ĐH phát triển. Vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm là những điểm nổi bật nhất để giúp các trường phát huy tính tự chủ. Khi tự chủ thì các trường mới phát huy và có điều kiện để phát triển về mọi mặt”.

Luật số 34 đã thật sự “cởi trói” rất nhiều về tự chủ cho các trường. Cụ thể, các trường được tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự đảm bảo để HĐT có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên và tiêu chuẩn các chức danh quản lý. Hiệu trưởng trường ĐH công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của HĐT; hiệu trưởng trường ĐH tư thục do hội đồng quản trị quyết định (trực tiếp quyết định, bổ nghiệm, miễn nhiệm). Về tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định: nếu không sử dụng ngân sách, cơ sở giáo dục ĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục ĐH; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.

Theo quy định, các trường ĐH được tự chủ cao về hoạt động chuyên môn. Trong đó, được tự chủ mở ngành, tự chủ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo trong và ngoài nước; tự chủ trong hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học - công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

 

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học tại phòng thí nghiệm.

Cùng với việc mở rộng quyền tự chủ cho các trường, Luật số 34 cũng yêu cầu các trường phải thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch về các vấn đề được tự chủ trước xã hội.

Phải bỏ cơ chế bộ ngành quản lý

Trong tổng số 235 trường ĐH hiện nay, có gần 80% trường thuộc các bộ ngành, tổ chức khác là cơ quan chủ quản và lệ thuộc hoàn toàn vào sự quản lý của các bộ ngành. Do đó, nếu không thực thi đồng bộ Luật số 34 thì các trường rất khó thực thi được những quy định của luật. Bởi lẽ hiện nay cơ chế bộ ngành quản lý có quá nhiều quy định “trói”, không cho các trường quyết định về vấn đề nhân sự, can thiệp quá nhiều vào chủ trương phát triển của trường. Xóa cơ chế chủ quản không có nghĩa là xóa sự quản lý của Nhà nước mà là xóa cơ chế quản lý “mệnh lệnh” hành chính từ các bộ ngành, không can thiệp vào công việc của nhà trường trong đầu tư, tổ chức cán bộ, định hướng đào tạo.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng: “Rất cần thiết phải chấm dứt can thiệp vào hoạt động tự chủ của các trường để thực hiện đúng tinh thần của Luật số 34 và Nghị quyết 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về việc thu gọn đầu mối quản lý, tinh giản biên chế. Việc có thêm bộ ngành chủ quản thực chất chỉ thêm một tầng nấc trung gian với không ít những thủ tục hành chính khiến chi phí giao dịch gia tăng, mất thời gian và hiệu quả thấp, không mang nhiều giá trị gia tăng cho người học. Việc còn duy trì bộ chủ quản sẽ phải mất thêm một số vị trí công chức để lo quản lý các mặt của nhà trường như kế hoạch tài chính, nghiên cứu khoa học, tổ chức cán bộ, công đoàn, thanh tra đào tạo... Nghĩa là phải thêm một bộ sậu tham gia quản lý”.

Nhiều trường thuộc bộ ngành hàng năm chịu hàng chục cuộc kiểm tra, thanh tra từ các bộ phận nói trên và có khi trùng cả với chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT, gây tốn kém phiền hà cho cơ sở và ngân sách nhà nước. Việc bỏ bộ chủ quản đã được đưa vào Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về Đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020, nhưng hầu như chưa thực hiện cho đến nay. “Ở đây cần chỉ thẳng ra vấn đề các bộ ngành đều muốn quản lý các trường như trước đây vì nhiều động cơ khác nhau. Không ai muốn tự giác từ bỏ những lợi ích từ cơ chế mình sinh ra, thể hiện qua các thủ tục. Chỉ riêng việc bổ nhiệm và tuyển dụng cán bộ trong nhà trường cũng có thể là mảnh đất màu mỡ kiếm chác của những người có thẩm quyền quyết định nhân sự từ bộ ngành mà không phải do HĐT lựa chọn theo luật định”, TS Hoàng Ngọc Vinh thẳng thắn nói.

__________

Cú hích phát triển hệ thống giáo dục đại học

Theo nhóm khảo sát 23 trường thí điểm tự chủ do Bộ GD-ĐT chủ trì, mặc dù Nghị quyết 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn 2014-2017 (trường có thời gian tự chủ lâu nhất 31 tháng, ít nhất là 3 tháng), các trường đã bước đầu có sự chuyển biến tích cực trong đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động, tạo cú hích đối với sự phát triển của hệ thống GDĐH.
Nhóm khảo sát đã kiến nghị 21 giải pháp đối với Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các trường ĐH. Cụ thể, Chính phủ cần kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các bộ ngành lập tức điều chỉnh và thực hiện các văn bản dưới luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 77 của Chính phủ để không còn tình trạng triển khai nghị quyết mới, nhưng vẫn làm theo cách cũ; nhanh chóng ban hành nghị định về tự chủ ĐH mới, thay thế cho Nghị quyết 77… Đối với 23 trường đang thí điểm tự chủ, nên kéo dài thời gian thí điểm và sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn chính thức tự chủ; xem xét xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản và cơ chế xin cấp phép về công tác chuyên môn, nhân sự, tài chính; thí điểm xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với một số trường đang thí điểm tự chủ.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM:

Trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 giống như 22 trường còn lại. Sau tự chủ thì từ chương trình đào tạo, giảng viên, thu nhập giảng viên đến điều kiện học tập của sinh viên được đầu tư thỏa đáng. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ là các trường tự làm chứ chưa hề có hướng dẫn hay nghị định về tự chủ. Dù là tự chủ nhưng vẫn còn vướng rất nhiều quy định khác. Do đó, khi Luật số 34 có hiệu lực, để các trường thực thi các quyền tự chủ như luật định thì các luật khác, quy định khác của các bộ ngành phải điều chỉnh theo. Các trường cũng cảm thấy băn khoăn vì sự thay đổi và điều chỉnh của các luật khác rất chậm.

Th.S HỨA MINH TUẤN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM:

Trường cũng đã rà soát lại tất cả hoạt động để chuẩn bị thực thi Luật số 34, nhưng e rằng rất khó thực hiện vì nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật chưa có thì thi hành và áp dụng ra sao? Nếu không có nghị định của Chính phủ thì các luật khác, quy định của các bộ ngành cũng sẽ khó điều chỉnh theo. Đơn giản như vấn đề học phí, các trường hiện nay phải tuân theo khung của Nghị định 86, nếu áp dụng Luật số 34 thì sẽ thu như thế nào? Về quyền của HĐT, tổ chức bộ máy nếu không có hướng dẫn thì cũng không thể có thực quyền. Riêng với các trường thí điểm tự chủ đến nay đã hết hạn, nếu muốn tự chủ hoàn toàn (không còn cơ quan chủ quản) sẽ phải trình đề án với Chính phủ hay Bộ GD-ĐT hoặc bộ chủ quản. Chắc chắn độ trễ trong áp dụng Luật số 34 sẽ tiếp tục nếu Chính phủ không quyết liệt chỉ đạo đồng bộ.

Thực tế, hoạt động tự chủ ĐH của các trường ĐH đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của Luật Giáo dục, Luật số 34, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ, điều lệ trường ĐH và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Do đó, dù Luật số 34 là cơ sở pháp lý về tự chủ ĐH nhưng rất cần sự đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp khác thì việc triển khai, áp dụng luật mới thật sự có hiệu quả.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top