Đề thi môn Ngữ văn có tính phân loại cao nhưng không “đánh đố” học sinh

15:26 - Thứ Ba, 25/06/2019 Lượt xem: 8335 In bài viết
Sáng 25-6, hơn 879 nghìn thí sinh trên toàn quốc đã làm bài môn thi Ngữ văn trong ngày đầu tiên với thời gian 120 phút. Theo nhận xét của nhiều giáo viên đề thi môn Ngữ văn năm nay khá hay và có tính phân loại cao nhưng vẫn không “quá sức” đối với học trò.

Tại điểm thi trường THPT Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhiều học sinh ra khỏi phòng thi với gương mặt rạng rỡ. Em Hoàng Mỹ Hạnh, trường THPT Kim Liên cho biết: “Đề thi môn Ngữ văn năm nay bám sát chương trình, có tính phân loại cao. Đề thi có mức độ tương đương với đề minh họa. Với đề thi này, nhiều khả năng em sẽ được 7 điểm”.

 

Hình ảnh đề thi Ngữ văn.

Cô giáo Phạm Thu Phương, giáo viên môn Ngữ văn của Trung tâm Tuyển sinh 247.com cho rằng: Đề thi môn Ngữ văn năm nay tương đối hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ mức độ nhận thức, có tính phân loại cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kỹ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi. 

Phân tích kỹ hơn về đề thi môn Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn của Trung tâm giáo dục Hocmai cho biết: Đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi THPT quốc gia năm 2019 đảm bảo đúng cấu trúc mang tính thống nhất như mô hình đề từ năm 2017 với 2 phần là Đọc hiểu (3,0 điểm); Làm văn (7,0 điểm) chia thành 2 câu hỏi. Những ngữ liệu cho phần Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học có dung lượng vừa phải phù hợp với thời lượng 120 phút, có khả năng khơi gợi những suy nghĩ, xúc cảm mang giá trị nhân văn và có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc cho học trò.

Ở phần đọc hiểu, nếu đối chiếu với đề thi tham khảo cho kì thi THPT quốc gia năm 2019, có thể thấy yêu cầu kiểm tra về kiến thức Tiếng Việt vẫn được lưu ý nhiều hơn so với kiểm tra khả năng suy nghĩ và cảm nhận về nội dung của ngữ liệu. 

Ở phần làm văn, đề bài đưa ra yêu cầu nghị luận về “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”- đây là vấn đề tương đối phù hợp với 9 câu thơ sau của ngữ liệu Đọc hiểu, cũng tương đối phù hợp với phần vận dụng cao trong câu hỏi 4 phần đọc hiểu -sự phù hợp ấy sẽ giúp cho học trò những nền tảng đầu tiên của suy nghĩ, cảm nhận trong quá trình nghị luận.

 Tuy nhiên, cô Tuyết cho rằng, có một vấn đề cần quan tâm về sự diễn đạt cần chính xác hơn trong câu lệnh. “Sẽ hoàn toàn chính xác với yêu cầu của một đoạn văn nếu câu lệnh được thay đổi theo cách “…viết một đoạn văn về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống”. Với yêu cầu đó, vấn đề nghị luận sẽ không phải là “sức mạnh ý chí của con người” mà là “ý chí của con người”; và giới hạn vấn đề nghị luận trong đoạn văn sẽ là “sức mạnh” của ý chí con người – khía cạnh nghị luận này tương đương với ý nghĩa, vai trò...  mà học sinh đã rất quen thuộc trong quá trình ôn luyện viết đoạn văn”-cô Tuyết nhấn mạnh.

 

Cũng theo TS Trịnh Thu Tuyết, ngữ liệu nghị luận là phần mở đầu của đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” -một đoạn văn đẹp, giàu chất thơ, thể hiện sinh động vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng, đắm say của dòng sông Hương nơi thượng nguồn; cũng thể hiện đồng thời những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: tài hoa và trí tuệ, sâu sắc và tình tứ, hướng nội  và đắm say…

Đây là một ngữ liệu giúp khơi gợi những xúc cảm thẩm mĩ phong phú của học trò. Yêu cầu nghị luận được thể hiện trong 2 ý của câu lệnh: Ý thứ nhất là cảm nhận về hình tượng sông Hương là một nội dung phù hợp, chính xác với ngữ liệu, cũng là yêu cầu thể hiện vấn đề trọng tâm cơ bản của toàn bộ bài bút kí. Ý thứ hai, “nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường” thực chất là yêu cầu học sinh phải chỉ ra được góc nhìn mang tính chất mới mẻ, độc đáo của nhà văn về dòng sông Hương của xứ Huế - bởi theo tâm thế của văn học nghệ thuật từ văn, thơ, nhạc, họa từ xưa đến nay luôn  hình dung miêu tả về sông Hương chỉ với một “khuôn mặt kinh thành” của một dòng sông êm đềm, phẳng lặng, nhiều khi buồn bã, tự như không trôi chảy…và ngược dòng không gian, tìm hiểu vẻ đẹp của sông Hương nơi thượng nguồn chính là góc nhìn mới mẻ, độc đáo ấy của nhà văn giúp người đọc có thể khám phá những gương mặt khác, những vẻ đẹp khác của dòng sông, cũng giúp lí giải được “vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ” của dòng sông trong thành Huế. Và do đó, nếu diễn đạt trong câu lệnh là “góc nhìn mới” về sông Hương” có lẽ sẽ chính xác hơn là cách nhìn mang tính “phát hiện

Về cơ bản, cấu trúc đề thi bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 6-12-2018. Đề thi gồm có 2 phần:

Phần 1: Đọc hiểu. Phần này sẽ chiếm 30% tổng số điểm.

Phần 2: Làm văn. Phần này chiếm 70% tổng số điểm bài thi.

Cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần Đọc hiểu có ngữ liệu đọc hiểu là văn bản thơ “Trước biển” của tác giả Vũ Quần Phương, theo đó là 4 câu hỏi ở các mức độ từ nhận biết (nhận diện thể thơ), thông hiểu (cách hiểu nội dung của hai câu thơ) đến vận dụng thấp (nêu hiệu quả biểu đạt của biện pháp nghệ thuật) và vận dụng cao (suy nghĩ về hành trình theo đuổi khát vọng của con người). Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến các vấn đề ý nghĩa, có hiệu quả trong việc đánh giá năng lực của học sinh. 

Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi:

Câu hỏi thứ nhất yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá một mặt giấy thi). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận được rút ra từ ngữ liệu của phần Đọc hiểu là sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về sức mạnh ý chí của con người, nêu được những ý nghĩa lớn lao của sức mạnh ý chí, biết phê phán những biểu hiện thiếu ý chí và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực. Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.

Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Vấn đề nghị luận thuộc kiến thức lớp 12, yêu cầu học sinh nêu cảm nhận về hình tượng sông Hương qua một đoạn trích trong văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích, cảm thụ văn bản; mà còn phải thực sự hiểu đặc điểm phong cách nghệ thuật của tác giả. 

Một phần quan trọng nữa không kém là chúng ta cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, chúng ta cần dành khoảng 15 đến 20 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 đến 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt!

Nhìn chung, đề thi THPTQG môn Ngữ Văn của Bộ Giáo dục & Đào tạo Hà Nội được công bố vào ngày 25-6-2019 là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top