Kết thúc buổi thi cuối: Thí sinh nhiều tâm trạng

10:44 - Thứ Sáu, 28/06/2019 Lượt xem: 8207 In bài viết
Kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2019, theo đánh giá của đa số các thí sinh, đề thi Tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) năm nay dài hơn năm ngoái nhưng không quá khó và đánh đố. 

Ghi nhận tại điểm thi trường THPT Thăng Long (Hà Nội), nhiệt độ không khí có phần oi ả hơn 2 ngày thi trước, điều này ít nhiều có ảnh hưởng tới tinh thần của các thí sinh.

 

Thí sinh vui vẻ ra về sau buổi thi cuối.

Bước vào trường thi, thí sinh Vũ Văn Toản, trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết đây là tổ hợp môn thi để xét tuyển vào Đại học nên em khá lo lắng và hồi hộp. Em cho biết đã dành toàn bộ thời gian để ôn luyện tổ hợp này trong một năm học qua và hi vọng sẽ môn này có thể cứu điểm môn Ngữ văn hôm trước.

Trái ngược với Toản, thí sinh Lê Ngọc Đức, trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) thoải mái chia sẻ, em chọn tổ hợp môn KHXH để xét tuyển tốt nghiệp, nên tâm lý đi thi không bị áp lực, vì các môn này dễ dàng lấy điểm hơn các môn khoa học tự nhiên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng sẽ cao hơn.

Nhất là đối với môn Giáo dục công dân, không cần dành quá nhiều thời gian ôn luyện, chỉ cần vận dụng kiến thức thực tế cũng giúp thí sinh dễ dàng có 5 điểm trong tay, vậy là đủ để tốt nghiệp THPT.

Không riêng gì các thí sinh căng thẳng, nhiều bậc phụ huynh cũng lo lắng, mặc trời nắng nóng vẫn một mực đứng đợi con ngoài cổng trường và chuẩn bị sẵn nước lọc cho con mang vào phòng thi chống chọi với nắng nóng.

Phụ huynh Nguyễn Thị Thơm (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ hôm nay là ngày thi thứ ba, cũng là ngày thi cuối cùng của con, trời nắng nóng nên càng thương con ngồi 3 tiếng trong phòng thi làm bài vất vả, có về nhà cũng không yên lòng nên cố gắng ngồi đợi con ở cổng, cùng con "vượt vũ môn" thuận lợi.

Kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2019, theo đánh giá của đa số các thí sinh, đề thi năm nay dài hơn năm ngoái nhưng không quá khó và đánh đố. Nhìn chung đề  Lịch sử hơi dài và "khó nhằn"; đề Địa lý và Giáo dục công dân "dễ thở" có thể đạt được điểm cao so với các môn khác trong kỳ thi này.

Thí sinh Lê Thị Mai, trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cho biết em làm được khoảng 60% câu hỏi, trong đó phần dễ kiếm điểm nhất là lịch sử thế giới; riêng phần lịch sử Việt Nam em tập trung vào giai đoạn 1945-1975. 

Theo nhiều thí sinh, với thời gian 50 phút để làm 40 câu là không đủ. Thí sinh nào học bám sát theo sách giáo khoa thi có thể kiếm điểm trên trung bình, điểm cao tuyệt đối thì hơi khó.

Với môn Địa lý đề thi tương đối dài, một số câu mở rộng, đòi hỏi thí sinh có kiến thức sâu và thực sự hiểu các vùng kinh tế, tự nhiên. Thí sinh cho biết đề thi có nhiều câu rất hay về biển đảo, biên giới và phát triển du lịch. Theo các em, đây đều là vấn đề thời sự hấp dẫn và cũng dễ kiếm điểm. Đặc biệt năm nay việc vận dụng từ Alat được thí sinh sử dụng triệt để, nhiều câu chỉ cần nhìn vào đó là ra đáp án, giúp thí sinh dễ dàng dành được điểm cao.

Đề thi Giáo dục công dân khá hay và dễ, 70% kiến thức lớp 12 trong đó hơn 2/3 là tình huống vận dụng từ đời sống vào bài, đúng như kỳ vọng đây là môn thi cứu cánh cho tất cả các thí sinh thi tổ hợp môn KHXH.

Thí sinh Trần Văn Quân, trường THPT Thăng Long (Hà Nội) vui vẻ cho biết em làm bài thi tổ hợp tốt, nhưng khó nhất vẫn là môn Lịch sử. Đề năm nay có nhiều câu hỏi về ý nghĩa, mốc thời gian các trận đánh trong phần lịch sử Việt Nam, đáp án “na ná” gần giống nhau nên rất dễ dàng bị đánh lừa nhầm lẫn, nói chung hơi "khó nhằn". Em cho biết chỉ làm được khoảng 60% bài thi, còn lại là khoanh bừa. 

Quân cho biết riêng đề Giáo dục công dân rất dễ, câu hỏi về các vấn đề điều chỉnh pháp luật, quyền công dân… đều nằm trọn trong sách giáo khoa lớp 12 và đề tham khảo, tuy nhiên hơi dài bởi có những câu 4-5 dòng chữ và khoảng 10 câu kiến thức lớp 11.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top