Nghịch lý thí sinh giảm, chỉ tiêu tăng trong tuyển sinh năm 2019

09:05 - Thứ Sáu, 12/07/2019 Lượt xem: 7614 In bài viết
Chỉ còn ít ngày nữa, sau khi Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) công bố điểm thi THPT quốc gia, các trường đại học, trường cao đẳng và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên, cùng thí sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ xét tuyển năm 2019. Năm nay, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh giảm so với năm 2018, nhưng số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường lại tăng lên.

Theo Bộ GD và ÐT, năm 2019, các trường đại học (ÐH), trường cao đẳng và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên xác định tuyển sinh 489.637 chỉ tiêu (tăng 7,57% so với năm 2018); trong đó xét tuyển ÐH là 467.492 chỉ tiêu, còn lại là của các trường cao đẳng và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên. Trong khi các trường xác định chỉ tiêu tăng thì cả nước có 653.278 thí sinh đăng ký xét tuyển, giảm 5,14% so với năm 2018; số nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển là 2.575.305, giảm 6,37% so với năm 2018. Lý giải về chỉ tiêu xét tuyển của các trường tăng, Bộ GD và ÐT cho biết, do điều kiện bảo đảm chất lượng tuyển sinh, đào tạo được nâng lên, nhiều trường được chứng nhận đạt kiểm định chất lượng… Mặt khác, Bộ GD và ÐT đã rà soát các danh mục: Mã tuyển sinh, ngành đào tạo, các tổ hợp xét tuyển... để bảo đảm chất lượng tuyển sinh.

Việc chỉ tiêu tuyển sinh tăng trong khi thí sinh đăng ký xét tuyển giảm, về mặt lý thuyết là tăng cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh. Tuy nhiên, đó không phải là điều đáng mừng, bởi vì công tác tuyển sinh hiện nay được thực hiện trên cơ sở quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường. Vì vậy, nhiều trường đã "tranh thủ" xác định chỉ tiêu tối đa, thậm chí vượt cả năng lực đào tạo để tuyển sinh. Thay vì phát triển cả hai vấn đề là đào tạo và nghiên cứu khoa học thì có những trường chỉ chú trọng tăng quy mô đào tạo để tăng nguồn thu. Ðánh giá chung của Bộ GD và ÐT cho thấy còn nhiều bất cập. Ðó là đối với hệ thống giáo dục ÐH nước ta hiện nay, đào tạo chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động, nhất là chưa theo kịp sự thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu, cơ cấu ngành nghề của thị trường lao động. Việc đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng của nhiều trường chưa tương xứng với sự gia tăng về số lượng cũng như quy mô đào tạo. Cách tiếp cận trong xây dựng và quản lý hệ thống các cơ sở giáo dục ÐH còn dựa nhiều vào chỉ tiêu số lượng mà chưa tập trung nhiều vào bảo đảm chất lượng, nhất là thiếu các dự báo nhu cầu nhân lực... Thực tế tuyển sinh những năm vừa qua cũng cho thấy, các trường không tuyển đủ chỉ tiêu vì không có nguồn tuyển. Ðiển hình, tại kỳ tuyển sinh năm 2018, các trường trên cả nước chỉ tuyển sinh được 76,84% so với chỉ tiêu đưa ra.

Số thí sinh cũng như số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển giảm nhưng chỉ tiêu tuyển sinh lại tăng là chưa hợp lý, không bảo đảm tốt các yêu cầu về nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, cần gắn việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh với nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Bộ GD và ÐT cần điều chỉnh các tiêu chí bảo đảm chất lượng để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh với yêu cầu cao hơn chứ không chỉ đơn thuần dựa vào cơ sở vật chất, diện tích xây dựng, số giảng viên cơ hữu. Trong đó, tăng cường các tiêu chí yêu cầu các trường gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, với doanh nghiệp; nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường… Cần bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo nhưng cũng cần tăng cường các khâu hậu kiểm, tránh tình trạng cơ sở đào tạo vì nguồn thu trước mắt, tìm mọi cách tăng quy mô tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo. Xây dựng cơ chế, gắn tăng chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô đào tạo với các dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực các ngành nghề; hạn chế tình trạng đua nhau mở các ngành ít phải đầu tư như kinh tế, luật…

Ngành giáo dục cần tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và công khai kết quả để xã hội giám sát, người học biết và lựa chọn cơ sở đào tạo theo học. Có như vậy mới tránh được tình trạng "vơ bèo, vạt tép" trong tuyển sinh; bảo đảm các trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top