Tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi

14:53 - Thứ Tư, 17/07/2019 Lượt xem: 9106 In bài viết

Trong những năm qua, hệ thống các trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) gồm trường: phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và phổ thông có học sinh bán trú (HSBT) đã có những chuyển biến đáng kể trong nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Giờ học của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách cho các trường nói trên còn bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đổi mới giáo dục, đào tạo.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Nguyễn Hữu Ðộ, hệ thống giáo dục chuyên biệt vùng DTTS ngày càng phát huy hiệu quả. Hiện nay, cả nước có hơn 3.600 trường chuyên biệt vùng DTTS, MN, trong đó, có 315 trường PTDTNT, hơn 1.000 trường PTDTBT và 2.273 trường phổ thông có từ 30 HSBT trở lên. Chất lượng giáo dục của các trường ngày càng được nâng lên qua từng năm học.

Riêng hệ thống các trường PTDTNT, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá hằng năm đạt hơn 95%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của các trường PTDTNT đạt 90%; có hơn 50% học sinh tốt nghiệp THPT thi đỗ vào đại học, cao đẳng. Một số địa phương có hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS, MN phát triển tốt. Tại tỉnh Ðác Lắc có 47 dân tộc cùng chung sống với tỷ lệ học sinh DTTS chiếm hơn 30%. Giám đốc Sở GD và ÐT Ðác Lắc Phạm Ðăng Khoa cho biết: Mạng lưới trường lớp các cấp học đều được quan tâm đầu tư và phát triển theo hướng kiên cố hóa; đội ngũ cán bộ, giáo viên đã đạt chuẩn và không ngừng nâng cao tỷ lệ trên chuẩn; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi các cấp đều tăng về số lượng và chất lượng. Việc thực hiện chế độ chính sách cho học sinh DTTS được triển khai đầy đủ, kịp thời như cấp học bổng, cấp sách vở, chế độ cho học sinh dân tộc đi học trung cấp, cao đẳng, đại học…

Tuy nhiên, theo Bộ GD và ÐT, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng DTTS dù được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều trường PTDTNT thiếu phòng học, phòng nội trú và các phòng chức năng khác; nhiều trường thiếu khuôn viên, sân chơi, bãi tập, các phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, thư viện, công trình phụ trợ…

Công tác quy hoạch các trường PTDTBT trong những năm qua còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương chỉ chú ý đến quy hoạch về số lượng mà chưa chú ý các điều kiện bảo đảm chất lượng cho nên có trường PTDTBT chưa có nhà ở nội trú, HSBT vẫn phải ở trọ ngoài nhà trường hoặc ở chung quanh trường.

Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Quảng Bình Trần Ðình Nhân, một trong những nguyên nhân của những tồn tại, bất cập nêu trên là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục vùng DTTS, MN, nhất là các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng còn chậm, thiếu so với quy định và yêu cầu thực tiễn. Một số chế độ, chính sách chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với tình hình của một số địa phương. Cụ thể như chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên trường phổ thông có học sinh bán trú. Nguồn kinh phí của cấp trên còn eo hẹp, trong khi địa phương không có nguồn kinh phí để hỗ trợ…

Ðể GD và ÐT vùng DTTS, MN ngày càng phát triển, Sở GD và ÐT Ðác Lắc đề nghị Nhà nước tăng cường hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trường học cho vùng đồng bào DTTS, nhất là các trường PTDTBT, trường THPT có bộ phận học sinh bán trú. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Nghệ An đề xuất ưu tiên bố trí các nguồn lực để phát triển phòng bộ môn, nhà nội trú giáo viên, học sinh; các công trình thiết yếu cho học sinh bán trú và trường PTDTBT đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần giải quyết kịp thời chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là một trong ba khâu đột phá chiến lược của đất nước. Vì vậy, việc phát triển giáo dục vùng DTTS, MN cần có những cách tiếp cận mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, chú ý đến việc điều chỉnh chương trình đào tạo cho học sinh vùng DTTS, MN; chính sách phân luồng, hướng nghiệp; đổi mới mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú theo hướng tăng cường hòa nhập, nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo. Ngoài ra, cần thay đổi hình thức hỗ trợ cho học sinh DTTS, MN phù hợp từng vùng miền…

Thời gian tới, Bộ GD và ÐT sẽ kiến nghị ban hành 11 chính sách mới và sửa đổi, bổ sung ba nhóm chính sách hiện hành nhằm tạo điều kiện cho GD và ÐT vùng DTTS, MN phát triển thuận lợi và thực chất hơn.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top