Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

10:24 - Thứ Tư, 31/07/2019 Lượt xem: 8607 In bài viết

Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ bồi dưỡng nhận thức về các chuẩn mực xã hội mà còn góp phần định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết của nhân cách con người. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Bộ GD và ÐT) đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác này cho học sinh, sinh viên.

Chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cũng đã có nhiều đổi mới, phù hợp hơn. Giáo dục đạo đức được giảng dạy liên tục, xuyên suốt từ tiểu học đến THPT trong các chương trình môn học; hoạt động giáo dục. Các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chuyên đề dạy học trong mỗi môn học và các chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp với việc tổ chức hoạt động học tập tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh. Nhiều trường học thành lập tổ tư vấn tâm lý, đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc thường xuyên quan tâm, kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý, phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột của học sinh…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay một bộ phận học sinh có hiện tượng “lệch chuẩn” trong ứng xử; thiếu trung thực trong học tập, kiểm tra, thi cử; có hành vi bạo lực học đường; có lối sống không lành mạnh khiến dư luận băn khoăn, lo lắng. Có những học sinh đua đòi ích kỷ, thực dụng, thích thụ hưởng, ngại lao động chân tay; thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác; chưa quan tâm tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc…

Một số chuyên gia chỉ ra rằng, thời gian qua ngành giáo dục chưa có những giải pháp căn cơ, hiệu quả đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nội dung giáo dục đạo đức chưa sâu, chưa tạo được nhiều cảm xúc thật sự chạm đến trái tim, làm thay đổi thái độ của người học; còn nặng về kiến thức đạo đức hàn lâm. Nhiều bài học kiến thức khô khan, chưa gắn với đời sống của tuổi trẻ; nội dung khó, không phù hợp với độ tuổi. Ðáng chú ý, mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ. Việc phân bố nội dung, thời lượng giáo dục đạo đức chưa phù hợp; càng lên lớp cao hơn, nội dung giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa. Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ. Một bộ phận cha mẹ học sinh ít tôn trọng các biện pháp giáo dục của trường học, vẫn còn tâm lý “khoán trắng” cho thầy, cô giáo và nhà trường.

Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trong đó đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, ngành giáo dục cần tiến hành rà soát, đánh giá nghiêm túc, khách quan những kết quả đạt được, các hạn chế, đề ra nhiệm vụ, giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả, phù hợp cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách, quy định, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, trong đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới, lấy học sinh làm trung tâm. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao vai trò nêu gương của ban giám hiệu và giáo viên, trong đó chú trọng đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó xác định vai trò quan trọng của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, tạo nền tảng nhân cách cho các em. Tổ chức thực hiện cam kết giữa gia đình, nhà trường với chính quyền địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ giáo dục… Có như vậy, học sinh mới trở thành những người công dân có đức, có tài, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội trong thời kỳ hội nhập.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top