Học sinh đi du học chủ yếu ở các thành phố lớn

15:03 - Thứ Hai, 05/08/2019 Lượt xem: 7768 In bài viết
Trong số gần 21.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam ở các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh.

Số lượng lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài theo các chương trình học bổng hiệp định, đề án của Chính phủ và được Bộ GD&ĐT quản lý là 6.067. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận 287 lưu học sinh về nước công tác gồm 156 tiến sĩ, 53 thạc sĩ, 76 đại học, 02 thực tập sinh. Con số này chưa nhiều do lưu học sinh đi học và về nước tập trung chủ yếu vào 6 tháng cuối năm.

 

Có gần 21.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện cũng có gần 21.000 lưu học sinh nước ngoài theo học các chương trình thuộc trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh. Những con số này phần nào cho thấy việc triển khai các hiệp định, thỏa thuận với nước ngoài về hợp tác giáo dục của Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực.

Để tăng cường hội nhập quốc tế, năm học 2018-2019, một số địa phương đã mở rộng dạy chương trình song ngữ tại các trường phổ thông. Hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài tiếp tục được mở rộng ở nhiều cơ sở giáo dục. 

Cả nước hiện có gần 550 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài giữa 85 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 258 cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc 34 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học trong nước cũng tăng cường trao đổi giảng viên, chuyên gia, sinh viên quốc tế, phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc đào tạo nghề cho học sinh. Các trường chủ động thúc đẩy quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về dạy, học và quản lý, góp phần tích cực hội nhập với các nước trong vùng và trên thế giới.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc hội nhập quốc tế trong giáo dục còn một số hạn chế, đặc biệt là việc thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương và cơ sở giáo dục. Hoạt động hội nhập được diễn ra mạnh mẽ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, trong khi các địa phương nông thôn, vùng núi còn khó khăn. 

Một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng các quy định về liên kết đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo trong liên kết đào tạo bị mất cân đối do tập trung nhiều vào các nhóm ngành Kinh tế-Quản lý (70%), nhóm ngành Khoa học kỹ thuật và Công nghệ còn hạn chế (30%). 

Tuy nhiên, theo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), việc các chương trình liên kết đào tạo mới chủ yếu tập trung ở trình độ đại học, thạc sĩ, rất ít trình độ tiến sĩ, cũng là một bất cập của công tác hội nhập quốc tế này.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top