Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

08:36 - Thứ Sáu, 09/08/2019 Lượt xem: 10056 In bài viết

ĐBP - Ðào tạo nghề cho người lao động là một trong các chỉ tiêu quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định nhu cầu và tình hình thực tế, mỗi năm có từ 7.800 - 8.200 lao động toàn tỉnh được đào tạo; trong đó hơn 75% lao động có việc làm sau đào tạo với thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Khả năng có việc làm, thu nhập ổn định của học viên sau khi tốt nghiệp đã góp phần định hướng, thay đổi dần nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

 

Sinh viên Khoa Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên) trong giờ thực hành.

Nỗ lực đổi mới nội dung chương trình và hình thức đào tạo, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh hướng tới đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và thực hiện đào tạo nghề theo cơ chế hợp đồng lao động gắn với giải quyết việc làm, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Riêng giai đoạn 2015 - 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo 38.385 người (trong đó, cao đẳng 6.507 người; trung cấp 2.204 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 29.674 người). Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Công tác GDNN, đặc biệt là đào tạo nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề trên địa bàn tỉnh; tạo được sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát huy thế mạnh, lợi thế của từng địa phương gắn đào tạo nghề với nhu cầu thị trường lao động. Sau đào tạo, nhiều lao động có việc làm bằng cách duy trì việc làm cũ, được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng; được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm…

Nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở GDNN, nhất là các trường cao đẳng trên địa bàn lấy kiểm định chất lượng GDNN làm thước đo chất lượng đào tạo, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; xây dựng chương trình, giáo trình… Những năm gần đây, Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, như: Công ty Cổ phần Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội, Công ty Linama 60 - 1; Công ty Cổ phần kim khí Thăng Long, Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên… trong việc trao đổi thông tin, cung cấp nguồn lực giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp; hợp tác với doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho hàng nghìn học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Trường Cao đẳng Y tế Ðiện Biên có quy mô đào tạo 350 học sinh, sinh viên/năm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, Trường ký kết hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng chi tiết về đào tạo thực hành với các cơ sở thực hành trực thuộc ngành Y tế trong tỉnh. Tổ chức Jica của Nhật Bản phối hợp với Sở Y tế mở các lớp đào tạo kỹ năng lâm sàng cho điều dưỡng viên mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề (thời gian đào tạo 9 tháng)… là những cơ hội học tập tốt để học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng tay nghề tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, do trên địa bàn tỉnh chưa có các khu công nghiệp, doanh nghiệp chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc hạn chế. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở GDNN dù được cải thiện, song chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội. Phần lớn các cơ sở GDNN cấp huyện chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng học, xưởng thực hành theo quy định; trang thiết bị thiếu về chủng loại, lạc hậu về công nghệ; giáo viên chuyên môn nghề còn thiếu, đa số là giáo viên hợp đồng giảng dạy.

Chính vì vậy để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác GDNN, cùng với việc đẩy mạnh hợp tác 3 bên giữa nhà trường - doanh nghiệp - Nhà nước; cần tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng đào tạo, thường xuyên giám sát và thanh tra, kiểm tra theo các tiêu chí đảm bảo chất lượng GDNN; hướng cơ sở GDNN tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật quy định (đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo bám sát yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp…). Ưu tiên phát triển các cơ sở GDNN tại các vùng khó khăn, vùng có nhiều lao động đang thiếu việc làm trên địa bàn tỉnh. Ðổi mới phương thức tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động của các cơ sở GDNN, từ đó tiến tới hình thành cơ sở GDNN công lập có đủ năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ở các cấp trình độ với quy mô và cơ cấu hợp lý về ngành nghề. Hoàn thiện hệ thống cơ sở đào tạo linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top