Lấy ý kiến nhân dân về phương án thi THPT quốc gia

09:22 - Thứ Hai, 12/08/2019 Lượt xem: 8093 In bài viết

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức ở Đà Nẵng, ngày 10-8, Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định đến năm 2020, sau đó sẽ có những điều chỉnh phù hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Quang cảnh hội nghị.

Theo PGS,TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), qua 5 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho thấy ngày càng hoàn thiện tốt hơn. Kỳ thi sẽ giữ ổn định đến năm 2020. Theo lộ trình, năm 2024 sẽ có mùa thi THPT quốc gia đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD-ĐT đang tính toán giai đoạn 2021-2023, kỳ thi THPT quốc gia về căn bản giữ ổn định phương thức thi như hiện nay và tính toán những nơi nào có điều kiện thì từng bước thực hiện thi trên máy tính một số lần/năm.

Việc tổ chức thi trên máy tính có thể tổ chức ở một số vùng miền thuận lợi trước, trên cơ sở hình thành dần các vệ tinh của Trung tâm khảo thí quốc gia để tiến tới thi THPT quốc gia đại trà trên máy tính. Phương án thi mới sẽ được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các nhà giáo dục, nhà khoa học.

Tại hội nghị, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết cho biết, năm học này, toàn ngành tiếp tục triển khai Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, thực hiện tốt Luật Giáo dục năm 2019. Đặc biệt quan tâm về quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học, tinh giản biên chế bộ máy một cách khoa học, phù hợp, bảo đảm chất lượng. Mục đích, xóa các điểm lẻ nhưng học sinh vẫn được học tập ở gần nhà, gần trường.

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề đặt ra là biên soạn sách giáo khoa và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Việc biên soạn sách đang được triển khai tích cực, nhưng việc bồi dưỡng giáo viên cho chương trình mới còn nhiều khó khăn. Bộ GD-ĐT sẽ đôn đốc, triển khai việc bồi dưỡng giáo viên phải trở thành tự bồi dưỡng. Để thực hiện được điều đó, bản thân mỗi giáo viên phải thay đổi nhận thức để việc bồi dưỡng chuyên môn hiệu quả. Vì vậy, các sở GD-ĐT cần lựa chọn kỹ những giáo viên có năng lực, phẩm chất tham gia các lớp bồi dưỡng; phối hợp các trường sư phạm mở các lớp bồi dưỡng bảo đảm thời gian công tác của giáo viên.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top