Khó tuyển sinh tại các trường chuyên nghiệp

08:33 - Thứ Tư, 14/08/2019 Lượt xem: 10849 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trường chuyên nghiệp tiếp nhận hồ sơ xét tuyển bậc cao đẳng và trung cấp, gồm: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Y tế. Nhưng một vài năm trở lại đây, hầu hết các trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Và nhiều khả năng trong năm học tới này, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh lại rơi vào tình cảnh tương tự.


Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên làm thủ tục nhập học.

Mùa tuyển sinh cao đẳng, trung cấp của các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh năm học mới đã bắt đầu. Nhưng theo ghi nhận tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vẫn còn đang ở mức thấp, thậm chí rất thấp so với chỉ tiêu đề ra. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên, cho biết: Năm nay, trường tuyển sinh 400 chỉ tiêu ở 11 ngành học (8 ngành sư phạm và 3 ngành ngoài sư phạm). Ðến thời điểm này, trường mới tiếp nhận được 168/400 hồ sơ xét tuyển, chưa đạt 50% so với chỉ tiêu đề ra. Ðây không phải tình trạng của riêng năm học này mà là câu chuyện tái diễn của cả 3 năm học trước đó. Trường cũng đã thực hiện rất nhiều các giải pháp để tăng số lượng người học, như: Xuống trực tiếp các trường THPT trên địa bàn để tuyển sinh; nắm bắt địa chỉ, số điện thoại của học sinh để tư vấn… nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong số đó là việc Luật Giáo dục năm 2019 mới ban hành đã nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, yêu cầu giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo trở lên. Do đó, nhiều ngành sư phạm của trường không có thí sinh đăng ký xét tuyển. Duy chỉ ngành đào tạo giáo viên mầm non là vẫn còn học sinh đăng ký với 137 hồ sơ. Không chỉ vậy, các mã ngành đào tạo ngoài sư phạm, như: Việt Nam học, Công tác xã hội, Tin học ứng dụng cũng gặp khó khăn bởi cơ hội việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp là rất thấp. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường còn bị cạnh tranh bởi các công ty, doanh nghiệp đến tận các trường THPT để tuyển công nhân. Việc tốt nghiệp THPT là đi làm ngay và có thể kiếm tiền cho gia đình so với việc tiếp tục học 3 năm cao đẳng thì nhiều em có hoàn cảnh khó khăn lựa chọn phương án tối ưu hơn. Hiện nay, Trường đang tuyển sinh đợt 2, nhưng chắc chắn 100% các ngành sẽ đều phải tuyển sinh bổ sung học sinh, sinh viên mới hi vọng đảm bảo chỉ tiêu.

Thuận lợi hơn các trường khác trên cùng địa bàn do có lượng lớn lưu học sinh từ CHDCND Lào theo học nhưng Trường Cao đẳng Y tế Ðiện Biên cũng chưa giải được bài toán tuyển sinh vào năm học mới. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Ðiện Biên Phạm Thế Hùng thì tới năm 2025, các đối tượng tuyển dụng vào ngành Y tế đều phải có trình độ cao đẳng trở lên. Trong khi trường mới mở được 1 mã ngành cao đẳng điều dưỡng, còn lại là trung cấp dược và y sĩ. Hơn nữa cơ cấu nhân sự của ngành Y tế tỉnh nhà cơ bản đã đủ nên cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp là rất thấp. Một vấn đề cũng không kém phần nan giải đó là tâm lý “sính” các trường dưới miền xuôi của một bộ phận phụ huynh, học sinh. Cùng là học trung cấp, cao đẳng nhưng nhiều người cho rằng học tại các trường cao đẳng ở ngoài tỉnh thì khả năng có việc làm sẽ cao hơn. Một số khác lại chưa nhìn thấy cơ hội việc làm từ nhu cầu rất lớn của việc xuất khẩu lao động. Ví dụ như hiện nay có khá nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến tận trường để vận động học sinh, sinh viên có bằng điều dưỡng đi làm tại các nước: Nhật, Ðức nhưng chẳng mấy người tham gia. Ngoài ra, một trong những khó khăn của việc tuyển sinh cao đẳng lại đến từ việc… tuyển sinh đại học. Cụ thể, phương thức tuyển sinh của nhiều trường đại học, nhất là các trường đại học dân lập có nhiều sự thay đổi, như: Chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài nên đã thu hút phần lớn học sinh vào học đại học, trong khi số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm không tăng nhiều… Vậy nên, nhiều học sinh không mấy mặn mà với các trường cao đẳng, trung cấp, nhất là các trường tại địa phương. Ðến thời điểm này, trường mới nhận 14 hồ sơ/90 chỉ tiêu xét tuyển cao đẳng điều dưỡng, 7 hồ sơ/40 chỉ tiêu trung cấp dược.

Có không ít nguyên nhân dẫn tới việc khó tuyển sinh của các trường chuyên nghiệp trên địa bàn. Nhưng có thể thấy nguyên nhân cốt lõi nhất là việc học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp khó có thể tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành mình theo học. Thiết nghĩ, để “đầu ra” không còn làm khó “đầu vào”, vấn đề thiết yếu là các trường chuyên nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước khẳng định thương hiệu. Ðồng thời, nghiên cứu, xem xét để mở các mã ngành mới, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; tăng cường kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường…

Hải Phong
Bình luận
Back To Top