“Mùa lên nương” của… giáo viên Mường Nhà

08:41 - Thứ Năm, 22/08/2019 Lượt xem: 9823 In bài viết

ĐBP - Tôi gọi những tuần chuẩn bị bắt đầu năm học mới là “mùa lên nương” của giáo viên vùng cao bởi đây là khoảng thời gian giáo viên rà lại sĩ số học sinh, đến từng nhà, từng bản, thậm chí cùng gia đình các em lên nương để vận động học sinh ra lớp. Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) cũng vậy, để các em đều được đến trường, chuyện giáo viên đi xe máy 20 - 30km đường rừng gập ghềnh tìm đến tận nơi học sinh đang ở, đêm tối mới rời bản, ghìm chặt tay lái trong nhiều nỗi lo để kịp trở lại trường cho ngày làm việc hôm sau không còn xa lạ.

 

Giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Mường Nhà thăm gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại bản Na Hươm, động viên các em tiếp tục đến trường.

Thầy cô không bỏ cuộc

Một trong những trường hợp học sinh có ý định nghỉ học thuộc lớp 8A5 năm học 2019 - 2020 của cô giáo chủ nhiệm Mai Thị Hương là em Quàng Thị Nguyệt, bản Na Hươm, xã Mường Nhà. Bố mẹ em bỏ nhau, Nguyệt ở với ông bà ngoại đã già yếu, mẹ đi làm ăn xa để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Ở độ tuổi mới lớn, chuyện gia đình ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, khiến một cô bé vốn nhút nhát như em muốn bỏ học đi làm. Cùng cô giáo Hương đến nhà nữ sinh này, chúng tôi mới hiểu phần nào suy nghĩ của Nguyệt. Bên cạnh ngôi nhà sàn cũ em đang ở cùng ông, bà vẫn còn “túp lều tranh” trước đây Nguyệt và mẹ ở, rộng chừng khoảng 10m2 với những tấm liếp mỏng manh. Bố em cũng vừa lấy vợ mới, sự quan tâm đến cô con gái vốn đã ít ỏi giờ lại càng nhạt nhòa. Ngồi thu mình trên mép giường, em chia sẻ: “Chuyện gia đình nhiều lúc làm em bối rối, không tập trung học được và em cũng nhớ mẹ nên muốn theo mẹ đi làm”. Trước đó đã nhiều lần cô giáo Hương đến nhà và tìm gặp Nguyệt trong các buổi lao động tại trường để trò chuyện, chia sẻ, giúp em giải tỏa những tâm tư trong lòng, động viên em học tập để mai sau có thể lo cho ông bà và mẹ. Cô cũng xác định đây là trường hợp cần theo sát suốt cả năm học. Nhờ vậy hiện tại Nguyệt đã quay lại trường, tham gia đầy đủ các hoạt động chuẩn bị cho năm học mới và hứa sẽ không nghỉ học. Anh Lò Văn Lún, Trưởng bản Na Hươm chia sẻ: Na Hươm là bản nghèo, không chỉ cháu Nguyệt mà có nhiều học sinh THCS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và định bỏ học. Ðối với những trường hợp ấy, giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Mường Nhà đã quan tâm rất sát sao, động viên các cháu và gia đình tạo kiện cho con em mình quay lại trường. Nhờ thế hầu hết trẻ trong độ tuổi THCS của bản đi học đầy đủ.

Trường hợp của Nguyệt thực ra chưa phải là một “ca” khó đối với các giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Mường Nhà nói chung, cô giáo Hương nói riêng. “Nhiều trường hợp, nhiều chuyến đi vận động học sinh mà tôi cùng đồng nghiệp phải bật khóc. Khóc không phải vì đường sá xa xôi, nguy hiểm, chùn chân khi cuốc bộ leo núi hay vì 12 giờ đêm mới từ nhà học sinh về đến trường. Mà khóc vì cảm thấy bất lực, vì đã cố gắng thật nhiều nhưng phụ huynh không hợp tác hoặc học sinh có hoàn cảnh quá éo le, không có lựa chọn nào khác, đôi khi cũng do có những em không có ý chí muốn đi học”. Cô Hương còn kể cho chúng tôi nghe về nhiều trường hợp học sinh khác, như em Vàng Thị D. (người xã Pú Hồng, huyện Ðiện Biên Ðông, là học sinh của trường), nghỉ học lấy chồng tại bản Hin Phon, xã Mường Nhà. Là giáo viên chủ nhiệm, suốt 1 tháng cô Hương đã nhiều lần tìm đến nhà chồng của D. và nhà bố mẹ đẻ D. để tìm hiểu, vận động, nhờ sự tham gia của cả Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo xã, cán bộ tư pháp, những người có uy tín trong bản mới đưa được em trở lại trường.

Cô Vì Thị Ngân (giáo viên chủ nhiệm lớp 8A6) cũng gặp trường hợp tương tự khi có học sinh nghỉ học lấy chồng tại bản Pha Thanh. Mỗi lần cô tìm đến nhà, bố mẹ chồng của học sinh đều lấy cớ lánh mặt hoặc vờ như không hiểu ngôn ngữ cô nói. Mặc dù em học sinh này vẫn muốn đi học, bố mẹ đẻ em cũng ủng hộ nhưng theo phong tục dân tộc, gia đình chồng không đồng ý thì em không thể tự quyết. Cô giáo Ngân chia sẻ: “Có những lúc tôi đã rất chán nản, thực sự không còn tinh thần để tiếp tục, muốn bỏ cuộc nhưng thương học sinh và được Ban giám hiệu, các anh chị đồng nghiệp động viên, chia sẻ những câu chuyện vận động học sinh ra lớp còn khó khăn hơn thế mà rồi vẫn thành công khiến tôi có thêm động lực để quyết tâm đưa em trở lại lớp”.

Ðể học sinh được đến trường

Trường PTDTBT THCS xã Mường Nhà được giao tiếp nhận học sinh của 2 xã Mường Nhà và Na Tông. Ðây là 2 xã còn nhiều khó khăn với 26 bản, trong đó bản xa nhất (Gia Phú A, Gia Phú B) cách trung tâm đến 35km, 6 bản cách 20 - 30km và khoảng 70% học sinh là người dân tộc Mông. Với cuộc sống còn khó khăn, đường xá đi lại không thuận tiện, đặc biệt là vào mùa mưa gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhiều bản trên địa bàn có tỉ lệ học sinh bỏ học hoặc có ý định bỏ học cao, như: Pha Thanh, Khon Kén, Hồi Hương, Gia Phú A và B, Sơn Tống A và B, Huổi Chanh, Hin Phon, Na Hươm. Vì vậy công tác vận động học sinh ra lớp là nhiệm vụ được nhà trường quan tâm trong suốt cả năm học. Thầy cô thường xuyên phải tìm lên tận nương để đưa học sinh xuống trường, hoặc chọn thời gian cuối giờ chiều, khi các em và gia đình đi làm về để nhờ cả bí thư, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ giúp vận động, khuyên can. Vì thế nhiều khi tối muộn, nửa đêm, thầy cô mới có thể ra về để kịp cho ngày làm việc hôm sau tại trường. Và việc chồng các cô giáo làm “xe ôm”, giúp vợ trong những chuyến đi đến các bản xa cũng trở nên quen thuộc.

Nói về gian khổ trong quá trình đi vận động học sinh ra lớp trên địa bàn 2 xã được phân công, thầy Bùi Tiến Phong, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường PTDTBT THCS xã Mường Nhà nói nửa đùa nửa thật mà nghe xót xa: “Giáo viên trường anh tay lái cứng lắm nhưng ai cũng từng ngã xe trên đường đến nhà học sinh rồi. Em hỏi giáo viên nào cũng được, đặc biệt là các thầy giáo - thường xuyên được giao cầm lái đi các bản xa. Ðầu năm học trước, trong khi đến Gia Phú vận động học sinh, do trời mưa đường trơn, thầy Trần Ðình Triển, giáo viên nhà trường, không may bị tai nạn, chấn thương nặng ở chân phải nằm viện, nghỉ dạy 1 tháng”.

Ðể hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra với giáo viên và mỗi em học sinh đều được đến trường, Trường PTDTBT THCS xã Mường Nhà đã triển khai nhiều giải pháp. Giáo viên chủ nhiệm luôn nắm rõ hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư của từng học sinh trong lớp để sẻ chia, kịp thời động viên, khích lệ các em. Thầy Bùi Tiến Phong cho biết thêm: Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh tham gia, tạo cho các em niềm vui khi đến trường như: Hội trăng rằm; thi sáng tạo khoa học kỹ thuật; giao lưu văn nghệ; thi đấu, luyện tập các môn thể thao bóng đá, bóng rổ... Cùng với đó là nhiều hoạt động chăm lo, coi học sinh như những người con, người cháu. Thầy cô giáo trong trường thường xuyên tự bỏ tiền cá nhân ra đóng góp giúp đỡ các em và gia đình. Như tại bản Sơn Tống A (xã Na Tông) có 2 anh em mồ côi là Sùng A Lếnh (lớp 9A3) và Sùng A Lầu (7A3) hiện ở với ông bà già yếu. Ông bà không còn sức lao động, muốn 2 em ở nhà đi làm để lo cho gia đình. Sau nhiều lần vận động và được ông bà đồng ý, 2 em đã quay lại trường ở bán trú và thầy cô hàng tháng góp tiền để mỗi cuối tuần mua 4kg gạo cho các em mang về nhà cho ông bà. Ngoài ra còn nhiều trường hợp, thầy cô mua quần áo, sách vở cho học sinh và những hỗ trợ đặc biệt khác. Trong năm học mới này, Trường dự định triển khai phát động cán bộ, giáo viên đóng góp mua xe đạp cho học sinh bản xa, khó khăn để các em luân phiên chở nhau đi học.

Mặc dù vẫn còn trường hợp học sinh bỏ học, không thể đưa các em quay lại trường vì những hoàn cảnh đặc biệt nhưng tỉ lệ huy động học sinh ra lớp trong độ tuổi 11 - 14 trên địa 2 bàn xã Mường Nhà và Na Tông luôn khá cao, năm học 2018 - 2019 đạt 95,1%, tương ứng 662/696 học sinh. Năm học 2019 - 2020 này, trường mở và duy trì 20 lớp với tổng 718 học sinh. Với tình yêu thương, tâm huyết và nỗ lực của giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Mường Nhà, thêm nhiều trẻ em trong độ tuổi THCS trên địa bàn 2 xã đã có cơ hội đến trường, tiếp tục theo đuổi con chữ, theo đuổi ước mơ.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top