Bộ GD-ĐT triển khai hiệu quả công tác pháp chế

09:19 - Thứ Tư, 28/08/2019 Lượt xem: 7198 In bài viết

Công tác soạn thảo văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang thuộc nhóm các Bộ có tỷ lệ hoàn thành cao. Năm 2018, có bốn Bộ hoàn thành 100% và tám Bộ, trong đó có Bộ GD-ĐT hoàn thành trên 80%. Đặc biệt, năm vừa qua, Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo đồng thời hai Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi); trình và được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV.

Theo Báo cáo của Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT tại Hội nghị công tác pháp chế giáo dục năm 2019, thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, Bộ GD-ĐT được giao xây dựng sáu văn bản, đã hoàn thành năm văn bản, đạt 83,33% (bình quân của Chính phủ năm 2018 là 82,66%).

Năm 2019, Bộ GD-ĐT được giao xây dựng 10 văn bản; kết quả hoàn thành là 6/7 văn bản, đạt 85,71%. Trong đó, đã trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục tại kỳ họp thứ 7; trình Chính phủ 2 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đúng thời hạn được giao; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hai Nghị quyết của Chính phủ và bốn đề án của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ đã trình ban hành được năm văn bản ngoài chương trình công tác.

Về việc thực hiện Chương trình soạn thảo văn bản của Bộ GD-ĐT, trong năm 2018, các đơn vị được giao xây dựng 61 văn bản thuộc thẩm quyền Bộ trưởng. Kết quả hoàn thành là 54/61 văn bản, đạt 88,52%. Năm 2019, các đơn vị được giao xây dựng 71 văn bản thuộc thẩm quyền Bộ trưởng (trong đó 8 tháng đầu năm là 15 văn bản). Kết quả: 12/15 văn bản, đạt 80%. Ngoài ra, các đơn vị đã ban hành được sáu Thông tư ngoài chương trình công tác.

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Lê Thị Kim Dung, công tác pháp chế của Bộ GD-ĐT được triển khai một cách đồng bộ, bài bản theo các nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 55 của Chính phủ như: xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; bồi thường của Nhà nước; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top