Học nghề - lập nghiệp

Quan trọng “khâu” phân luồng, định hướng

08:23 - Thứ Năm, 05/09/2019 Lượt xem: 10188 In bài viết

ĐBP - Trong nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia gần đây, tỷ lệ học sinh trong tỉnh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp có xu hướng tăng cao. Gần đây nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 toàn tỉnh có 5.320 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, 2.478 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Ðiều này đồng nghĩa với hơn 46,5% thí sinh tham dự kỳ thi này không lựa chọn con đường học đại học. Ðó là những chuyển biến trong xu hướng chọn nghề, chọn trường của học sinh và phụ huynh, đóng vai trò quan trọng là công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

Giáo viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên tư vấn học nghề cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ tại Hội chợ việc làm năm 2019. Ảnh: Minh Thùy

Trước đây, phần nhiều học sinh chọn nghề, chọn trường sau tốt nghiệp THPT theo cảm tính, dựa vào thị hiếu, nhu cầu của gia đình và phong trào bè bạn mà chưa chú ý đến năng lực, sở trường của bản thân cũng như nhu cầu của xã hội. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về nghề nghiệp, thiếu thông tin về những yêu cầu của ngành nghề, do vậy thường chưa đánh giá đúng năng lực của bản thân khi chọn ngành nghề. Chính vì vậy, để nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vấn đề được tỉnh ta quan tâm thời gian qua đó là tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, phụ huynh, học sinh và toàn thể xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Từ đó giúp học sinh nâng cao hiểu biết về nghề, có định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn nghề phù hợp. Hiện nay, các trường THPT trong tỉnh đều thực hiện nghiêm túc nội dung giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo với thời lượng 3 tiết/tháng theo các hình thức hướng nghiệp qua dạy - học các môn văn hóa; dạy - học môn công nghệ, dạy nghề phổ thông và hoạt động lao động sản xuất; hướng nghiệp qua việc tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp và hướng nghiệp qua các hoạt động ngoại khóa khác.

Tại Trường THCS và THPT Quài Tở (huyện Tuần Giáo) công tác hướng nghiệp cho học sinh luôn được đặc biệt quan tâm. Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô giáo bám sát đối tượng học sinh để đánh giá năng lực từng em, từ đó tư vấn cho các em lựa chọn ngành nghề phù hợp; nhất là đối với học sinh lớp 9, lớp 10, 11 và lớp 12. Thầy giáo Cao Văn Bằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hàng năm, nhà trường đều phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Các cơ sở này sẽ giới thiệu chương trình đào tạo trong đó có kết nối với doanh nghiệp, học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm ra sao, chế độ chính sách cho học sinh theo học như thế nào và giải đáp các thắc mắc về nghề nghiệp của học sinh. Qua đó học sinh sẽ nắm được nhiều thông tin về cơ hội nghề nghiệp để có thể định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội và các nhà tuyển dụng. Thực hiện tốt chương trình giáo dục nghề nghiệp, nhà trường tổ chức các chương trình ngoại khóa định hướng chọn nghề, thành lập tổ tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Ðặc biệt là tổ chức chương trình tham quan thực tế nghề nghiệp, tham gia Hội chợ việc làm… giúp học sinh có cái nhìn tổng quát, thiết thực hơn để đưa ra sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Ðầu năm 2019, nhà trường tổ chức cho học sinh lớp 9, 10, 11 và lớp 12 tham quan trải nghiệm định hướng nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6, Hội chợ việc làm do huyện Tuần Giáo phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức… Ðây là cơ hội giúp học sinh tiếp cận thông tin về các nhóm nghề xã hội cần, nhu cầu tuyển dụng lớn từ các doanh nghiệp trong thời gian tới để có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, điều kiện gia đình.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giúp các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, tỉnh tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp... Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, 80% trở lên các trường THCS và trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 35% trở lên học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng… Ðể thực hiện được điều đó kho dữ liệu không thể thiếu ngay từ bây giờ chính là thông tin liên quan đến ngành, nghề; thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động cũng như sự “kết nối” giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp... Trên cơ sở tư vấn, định hướng phân luồng giúp học sinh dễ dàng tiếp cận những thông tin cần thiết để lựa chọn phù hợp, tránh tình trạng “ma trận” ngành nghề, góp phần từng bước khắc phục vấn đề thừa “thầy” thiếu “thợ” đã và đang diễn ra.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top