Nhiều ưu đãi nhưng vẫn vắng sinh viên

08:26 - Thứ Năm, 05/09/2019 Lượt xem: 10263 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, học sinh tham gia học nghề tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi, thậm chí, với nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn gần như được miễn 100% chi phí học tập. Tuy nhiên, dù các chính sách hỗ trợ có tối ưu nhưng vẫn còn nhiều nguyên nhân khiến việc học nghề chưa thực sự hấp dẫn học sinh, sinh viên (HSSV).

Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng nghề.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, 3 trường (Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, Cao đẳng Y) đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp nghề. Trong giai đoạn 2015 - 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo 38.385 người. Trong đó, cao đẳng 6.507, trung cấp 2.204 người. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2018 đạt 52,1% (qua đào tạo nghề đạt 30,03%). Ông Hà Quang Minh, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Ðể khuyến khích người học nghề, Chính phủ đang có nhiều chính sách ưu đãi như: Miễn, giảm học phí theo Nghị định 86/2015/NÐ-CP; hàng tháng, HSSV là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng chính sách trợ cấp với mức là 1 tháng lương cơ bản theo Quyết định số 53/2015/QÐ-TTg; được hưởng trợ cấp xã hội mức 140.000 đồng/HSSV/tháng (áp dụng đối với HSSV người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)… Trong giai đoạn 2015 - 2019, các chế độ chính sách an sinh xã hội đối với người học nghề trên địa bàn tỉnh khoảng gần 100 tỷ đồng. Ngoài các chính sách chung, các trường cao đẳng còn có những chính sách riêng hiệu quả, thiết thực để tạo điều kiện tối đa cho người học nghề. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường cao đẳng chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phương thức quản lý đào tạo, xây dựng và bổ sung giáo trình, giáo án điện tử nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin trong giảng dạy cho tất cả các ngành nghề đào tạo. Quan tâm thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tăng cường trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Phát huy hiệu quả mô hình đào tạo gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tất cả các ngành nghề và tổ chức cho giáo viên, HSSV đi thực hành, thực tế sản xuất tại các nhà máy, công trình, công xưởng trong quá trình đào tạo, đảm bảo đầu ra đúng như cam kết với doanh nghiệp. Trong thời gian đào tạo, HSSV còn được thực hành trên các mô hình thực tế, đảm bảo khi ra trường có tay nghề phù hợp với từng ngành nghề đào tạo.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt như vậy cũng chưa thể thu hút được người học tới ghi danh tại các trường nghề. Ðiều đó khiến cho các trường cao đẳng trên địa bàn phải gồng mình lên nhưng chẳng giải nổi bài toán tuyển sinh. Trường Cao đẳng Nghề cũng không ngoại lệ khi năm học 2019 - 2020 này mới chỉ tuyển được 110/330 chỉ tiêu. Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cho biết: Hiện tại, HSSV theo học tại trường được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, trường cũng có nhiều giải pháp để tạo điều kiện tối đa cho người học, như: Tạm ứng tiền chế độ cho học sinh khó khăn; học bổng, khen thưởng thường xuyên, đột xuất; bổ sung trang bị thiết yếu cho ký túc xá… Trường còn có nhiều nội dung, hình thức phối hợp, gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, như: Trao đổi, cung cấp nguồn lực giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp; hợp tác với doanh nghiệp trong việc tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề thăm quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp; hợp tác với doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp… Cụ thể đã hợp tác với một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Kinh tế kỹ thuật Hà Nội, Công ty Linama 69-1, Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên, Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên… cho sinh viên thực hành sản xuất và bố trí việc làm sau tốt nghiệp cho hàng trăm lượt HSSV. Hiện nay, trường đang cử 59 học sinh thực tập trải nghiệm lắp đặt thiết bị điện cho dây chuyền sản xuất loa ô tô tại TP. Hải Phòng với mức lương 6,6 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo bà Hiền, các chính sách an sinh xã hội với người học như vậy là khá hợp lý với HSSV học nghề. Thế nhưng, hợp lý như vậy cũng không giúp chỉ tiêu tuyển sinh của trường đạt như kỳ vọng. Do hoàn cảnh khó khăn, các em thường lựa chọn con đường ngắn nhất để tham gia thị trường lao động mà không tính trước các nguy cơ trong tương lai. Một phần cũng do các doanh nghiệp hiện nay khá “thoáng” trong việc tuyển dụng lao động phổ thông, không cần qua đào tạo. Hơn nữa, khó khăn trong tìm việc làm cũng là nguyên nhân khiến nhiều em không lựa chọn việc học nghề. Dù được nhà trường tạo điều kiện, giới thiệu tới các công ty, doanh nghiệp nhưng nhiều HSSV vẫn mang tư duy tiểu nông, không muốn rời gia đình, quê hương để đi làm xa. Cá biệt có trường hợp được nhận vào công ty nhưng lại cương quyết không đi làm vì bạn bè nộp hồ sơ cùng không được nhận. Và cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là HSSV tốt nghiệp còn yếu về các kỹ năng mềm như: Tác phong công nghiệp, thái độ nghề nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ năng khởi nghiệp… nên cơ hội việc làm vẫn chưa cao.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khá, song chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp với hình thức tự tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động. Nguyên nhân do hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, khả năng thu hút lao động vào làm việc và năng lực đóng góp cho giáo dục nghề nghiệp rất hạn chế. Hơn nữa, khu công nghiệp và khu du lịch trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được quy hoạch, nhưng nhiều nơi chưa phát triển, hạn chế thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng nên công tác giải quyết việc làm sau tốt nghiệp của HSSV khó khăn… Như vậy có thể thấy rằng, dù các chính sách hỗ trợ cho người học mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, hiệu quả nhưng chưa tìm được hướng giải quyết cho đầu ra thì số lượng người lựa chọn học nghề vẫn khó có thể tăng lên.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top