Tăng học phí phải có lộ trình

15:08 - Thứ Tư, 11/09/2019 Lượt xem: 9770 In bài viết

Tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tại Hà Nội ngày 9-9, nhiều vấn đề như tăng học phí và trách nhiệm của các trường trong việc mở ngành đào tạo mới đã được đặt ra.

PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Bách Khoa Hà Nội cho biết: Tự chủ đại học không tránh khỏi việc tăng học phí nhưng việc tăng phải có lộ trình và phù hợp với sự chi trả của người học, đảm bảo sự lựa chọn của sinh viên. Bên cạnh đó, các trường cũng cần phải có chính sách học bổng đảm bảo cơ hội học đại học của người học, nhất là học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn. 

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho biết: ĐH Kinh tế quốc dân là một trong những trường đầu tiên của Việt Nam thực hiện tự chủ từ một phần sang toàn phần. Học phí của trường cho đến nay cũng thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ. Đặc biệt, mức học phí hàng năm luôn được nhà trường thực hiện công khai, minh bạch với lộ trình tăng không quá 10% mỗi năm. 

Người học dễ “quay lưng” với nhà trường nếu ngành học không đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa

“Hiện nay, nhà trường tăng khoảng 5%/năm giúp học sinh làm quen dần và không bị bất ngờ. Cùng với việc tăng học phí, nhà trường cũng đã mở rộng quỹ học bổng đối với các đối tượng học sinh. Quỹ học bổng của nhà trường tăng dần theo từng năm”- PGS Phạm Hồng Chương chia sẻ.

Bên cạnh học phí, lãnh đạo trường đại học cũng đã đặt ra vấn đề mở ngành học mới khi tự chủ đại học. Theo PGS Hoàng Minh Sơn, việc mở ngành mới là xu hướng cần thiết vì đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường lao động, phù hợp với yêu cầu của nguồn nhân lực. Tuy vậy, ngành học mới  phải dẫn dắt chứ không phải chạy theo thị trường. Có những ngành mở ra phải đi trước để 5 - 7 năm sau tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lao động.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định: Các trường đại học mở ra những ngành nghề đào tạo mới cũng là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng sự thay đổi rất nhanh của thị trường. 

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là có những trường đại học mở ra nhiều ngành nghề mới nhưng không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, thị trường lao động và doanh nghiệp, do không đáp ứng được các quy định pháp lý về việc mở ngành, sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm. 

"Nếu trường đại học nào mở ngành không đúng, không đảm bảo chất lượng thì trong một thời gian ngắn hạn sẽ bị thị trường “đào thải” và phải trả giá cho việc làm của mình. Trong tương lai thì trường này cũng sẽ bị mất uy tín và không thể tồn tại” - bà Thủy nhấn mạnh.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top