Thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính: Còn nhiều băn khoăn

08:45 - Thứ Năm, 03/10/2019 Lượt xem: 9273 In bài viết

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án thi trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020 trên máy tính là thông tin thu hút sự quan tâm của người dân và thí sinh những ngày qua. Về cơ bản, các ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ, song với quy mô khoảng 1 triệu thí sinh dự thi hằng năm, lộ trình triển khai ra sao để bảo đảm tính khả thi, nghiêm túc là điều khiến nhiều người còn băn khoăn.

Sau năm 2020, học sinh có thể làm bài thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính.

Giảm áp lực, tăng độ tin cậy

Nhằm giúp các nhà trường, học sinh chủ động trong việc tổ chức dạy, học, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo phương án thi trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vẫn cơ bản ổn định về các bài thi, môn thi như năm 2019, song có một số điều chỉnh, trong đó có dự kiến tổ chức thi trên máy tính, thay bằng thi trên giấy như hiện nay. Thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và có thể được các cơ sở giáo dục đại học tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh, nếu có nhu cầu.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Một trong những căn cứ quan trọng của việc đổi mới phương án thi là yêu cầu giảm áp lực, tốn kém, tăng độ tin cậy, đánh giá đúng năng lực học sinh theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Thí sinh hoàn toàn yên tâm, bởi phương án được đề xuất về cơ bản vẫn ổn định như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, không gây nhiều xáo trộn đối với việc dạy, học; bảo đảm đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và từng bước tiếp cận xu hướng thi của các nước tiên tiến.

Về phương án thi trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020, ông Nguyễn Thành Nam, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho rằng: Việc đổi mới phương án thi để hạn chế bất cập, nhất là để ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, gây mất công bằng cho học sinh là cần thiết. Song, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố sớm và rõ về lộ trình để học sinh chủ động chuẩn bị.

Cần có lộ trình phù hợp

Theo ghi nhận tại các trường học trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các nhà giáo, học sinh đều ủng hộ chủ trương đổi mới phương án tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm áp lực, tăng độ tin cậy và bảo đảm tính khả thi, một số ý kiến vẫn bày tỏ sự băn khoăn.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) đã thông tin chủ trương này tới toàn thể giáo viên, học sinh để chủ động có kế hoạch dạy, học phù hợp. Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều cho biết, theo phương thức thi hiện nay, để tổ chức một hội đồng thi với quy mô 600 học sinh, thì cần 25 phòng thi và khoảng 80 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia, nhưng với phương án thi mới, số người tham gia có thể giảm tới 3/4. Nhà trường hiện có gần 100 máy tính, có thể đáp ứng nhu cầu dự thi của 600 học sinh lớp 12 hằng năm. Đây là điều kiện thuận lợi của hầu hết các trường ở khu vực thành thị, nhưng với các trường ở khu vực nông thôn, miền núi, cần phải có khảo sát cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy, học để có lộ trình triển khai phù hợp. Ngoài ra, các phòng thi cũng cần được lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Liên quan đến vấn đề này, em Nguyễn Thị Mai Lan, học sinh Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) băn khoăn vì cơ sở vật chất phục vụ việc học tập của học sinh ở các trường ở khu vực ngoại thành còn gặp nhiều khó khăn. Do không thường xuyên được tiếp cận với máy tính, nên không phải học sinh nào cũng nhuần nhuyễn với các thao tác trên máy, sẽ có nhiều thiệt thòi...

Là đơn vị đã tổ chức thi một số môn học trên máy tính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cách thi này giảm sự can thiệp của con người và bảo đảm công bằng cho thí sinh. Song, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng lộ trình cụ thể để các địa phương, nhà trường có kế hoạch chuẩn bị về cơ sở vật chất, mức độ tiếp cận máy tính của thí sinh, nhằm đáp ứng yêu cầu, trong đó lưu ý đến những khu vực khó khăn. Bởi, việc học thực hành trên máy tính ở các giờ tin học khác xa với việc làm bài thi trên máy tính, chưa kể đến những áp lực về kết quả thi.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, bài học từ các vụ việc gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 cho thấy, điểm mấu chốt bảo đảm tính khả thi và an toàn trong việc tổ chức thi trên máy tính vẫn là con người, đặc biệt là người nắm “chìa khóa” phần mềm. “Nếu khâu này không được làm chặt chẽ, thì việc can thiệp vào hệ thống, làm thay đổi kết quả thi vẫn là nguy cơ phải đối mặt. Bên cạnh yếu tố quan trọng về hạ tầng, đây là vấn đề cần phải bàn thảo kỹ”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức nhận định.

Việc đổi mới phương án thi trung học phổ thông quốc gia trong những năm tới là cần thiết, song để đạt mục tiêu giảm áp lực, tăng độ tin cậy và bảo đảm tính khả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục lắng nghe các ý kiến, khảo sát kỹ thực tế để có lộ trình phù hợp.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top