Chương trình giáo dục phổ thông mới

Hướng đến phát huy tính tích cực của học sinh

08:25 - Thứ Hai, 07/10/2019 Lượt xem: 10885 In bài viết

ĐBP - Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu được thực hiện ở lớp 1 vào năm học 2020 - 2021, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện đối với từng khối lớp ở các cấp học. Chương trình được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học. Từ đó, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực mà nhà trường và xã hội mong muốn.

Một tiết học của thầy và trò Trường Tiểu học Nậm Pố, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé).

Có nhiều điểm mới

Trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình GDPT hiện hành, chương trình GDPT mới (được gọi là Chương trình GDPT năm 2018) được xây dựng với nhiều điểm mới. Trước hết là về mục tiêu giáo dục, chương trình GDPT mới được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu GDPT là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ. Phương châm giáo dục của chương trình mới kế thừa các nguyên lý giáo dục nền tảng “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn với thực tiễn”, “Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”. Chương trình GDPT năm 2018 phân biệt rõ 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Ðáng chú ý, nội dung giáo dục bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong chương trình GDPT mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ Chương trình GDPT năm 2006 nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực hiệu quả hơn.

Một điểm nổi bật khác, trong chương trình GDPT mới có một số môn học và hoạt động giáo dục mới, gồm: Tin học và công nghệ, ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học); lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm (cấp THCS) và âm nhạc, mĩ thuật, giáo dục kinh tế và pháp luật, hoạt động hướng nghiệp (cấp THPT). Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn không có sự xáo trộn. Với cấp tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, cấp THCS và THPT thực hiện dạy học 1 buổi/ngày. Ðặc biệt, phương pháp giáo dục cũng có sự đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, như: Mô hình trường học mới, bàn tay nặn bột, giáo dục Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học (STME)... Qua đó, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều theo chương trình giáo dục hiện hành.

Tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết

Với điều kiện của tỉnh nghèo, kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế đã gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện chương trình GDPT mới trên địa bàn tỉnh. Nhất là tại các trường học ở vùng đặc biệt khó khăn, còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, chưa có đủ phòng chức năng, phòng công vụ, phòng nội trú và các hạng mục phụ trợ khác để phục vụ công tác dạy học. Ðội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu, nhất là giáo viên tiếng Anh, giáo viên môn đặc thù (âm nhạc, mĩ thuật, giáo dục công dân). Do đó, năm học 2019 - 2020 cùng với việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục các cấp học, ngành GD&ÐT tỉnh đã tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho triển khai chương trình GDPT mới. Ông Ðào Thái Lai, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ÐT) cho biết: Thời gian qua, ngành GD&ÐT đã tổ chức sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học nhằm tăng số lượng học sinh/lớp, đưa học sinh tại các điểm trường lẻ về trung tâm, thành lập các trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phẩm chất, năng lực học sinh. Song song với đó, cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa nhằm giảm tỷ lệ phòng học tạm xuống dưới 10%; quan tâm xây dựng hệ thống phòng học bộ môn, sân chơi bãi tập, bổ sung dụng cụ ngoài trời phục vụ cho giáo dục thể chất và vui chơi. Ðối với cấp tiểu học, đến nay ngành đã đáp ứng yêu cầu 1 phòng học/lớp, bố trí đủ đội ngũ giáo viên theo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp; tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho trên 97% học sinh tiểu học. Ðội ngũ giáo viên dạy chuyên đã được UBND các huyện tuyển dụng bổ sung đáp ứng yêu cầu dạy đủ các môn học ở cấp tiểu học.

Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020 ngành GD&ÐT đã tổ chức giới thiệu về chương trình GDPT mới (chương trình tổng thể và chương trình các môn học) cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học; lựa chọn đội ngũ cán bộ, quản lý đăng ký tham gia tập huấn về chương trình GDPT mới tại Bộ GD&ÐT. Mặt khác, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí mua tài liệu bồi dưỡng, thiết bị phục vụ bồi dưỡng trực tuyến để bồi dưỡng cho 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021; chỉ đạo các phòng GD&ÐT xây dựng kế hoạch kinh phí, chuẩn bị các điều kiện mua sắm thiết bị phục vụ thay sách giáo khoa lớp 1 đảm bảo số lượng và hoàn thành việc cung cấp đến các trường trước năm học mới 2020 - 2021.

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top