Hai cách đầu tư cho giáo dục của người Việt

15:57 - Thứ Năm, 24/10/2019 Lượt xem: 9493 In bài viết

Từ cách đây 4 năm và cho đến tận bây giờ tôi vẫn luôn nghĩ, các bạn trẻ hiện nay chỉ có một con đường duy nhất là tìm một chương trình đại học tốt, nỗ lực học tập thì các tiềm năng sẽ có cơ hội được phát triển; ra trường sẽ tự xin được việc và xa hơn là lo được cuộc sống bản thân mình...

1. Cách đây vài tháng, một người quen tìm gặp để nhờ tôi xin việc cho con trai mới tốt nghiệp đại học. “Anh, chị có thể lo được cho cháu vài trăm (triệu). Chăm sự nhờ chú”. Tất nhiên là tôi đã từ chối ngay vì tôi không biết, không đồng ý và cũng không có khả năng kiếm việc theo cách mà người quen tôi mong muốn.

2. Cũng người quen này, cách đây 4 năm đã từng mang con thời điểm đó đang học lớp 12 đến tìm tôi để xin định hướng chọn trường và nghề nghiệp. Thấy cháu nhỏ có khả năng Anh ngữ và học lực cũng không tệ, tôi đã tư vấn cho cháu đi học một chương trình liên kết quốc tế tốt ở trong nước hoặc du học ở một nước trong khu vực có chi phí phù hợp với khả năng của gia đình.

Từ cách đây 4 năm và cho đến tận bây giờ tôi vẫn luôn nghĩ, các bạn trẻ hiện nay chỉ có một con đường duy nhất là tìm một chương trình đại học tốt, nỗ lực học tập thì các tiềm năng sẽ có cơ hội được phát triển; ra trường sẽ tự xin được việc và xa hơn là lo được cuộc sống bản thân mình. Khi đó, người quen tôi đã không nghe lời tôi tư vấn vì chê “cách đó vừa tốn kém, con anh chả biết có học được không và chả biết rồi sẽ thế nào” để chọn con đường truyền thống hơn: chọn một trường công trong nước, học phí rẻ và khi ra trường thì sẵn sàng chi tiền để “chạy việc”.

Theo học tại các chương trình liên kết quốc tế để lấy kiến thức, kỹ năng trong một ngành nghề nhất định với mong muốn có đủ khả năng kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

3. Tư duy của tôi và người quen của tôi trong câu chuyện này, có thể nói là đại diện cho 2 nhóm tiếp cận tiêu biểu trong xã hội Việt Nam hiện nay về việc học đại học và việc làm. Một bên cho rằng học đại học là để lấy kiến thức, kỹ năng trong một ngành nghề nhất định với mong muốn có đủ khả năng kiếm việc làm (employability) sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, nhóm này sẵn sàng chi tiền để được học thật, để có kiến thức thật, kỹ năng thật. Một bên cho rằng học đại học chủ yếu để lấy cái bằng và chỉ là điều kiện cần để đi xin việc sau này, điều kiện đủ để có một việc làm tốt là “chạy việc”. Điều đặc biệt là hai cách tiếp cận này có chi phí gần như bằng nhau (học phí tại các chương trình liên kết quốc tế hoặc chi phí du học tại một nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Đài Loan cũng hết khoảng vài trăm triệu đồng) và đầu ra có thể xem là như nhau (cùng kiếm được việc làm), chỉ có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau.

4. Tôi nghĩ trong xã hội Việt Nam hiện nay, nhóm thứ hai, giống như người quen của tôi, vẫn chiếm số đông hơn. Để lý giải thực trạng này cũng không quá khó. Dưới đây tôi xin đưa ra một số lý do chính:

- Lý do văn hóa, truyền thống: từ xưa, người Việt có truyền thống “học để làm quan”. Động cơ này ở trong xã hội sẽ được đổi thành “học để có việc làm”. Điều này thực tế là không có vấn đề gì cả bởi suy cho cùng sinh viên trên toàn thế giới đi học thì cũng đều mong sau này kiếm được việc làm phù hợp. Nhưng khi động cơ này quá lớn, đến mức che mờ hết các động cơ học tập khác (như học để lấy tri thức, kỹ năng hay học vì niềm vui thích) thì nó sẽ làm cho câu chuyện trở nên không còn bình thường nữa.

- Lý do chất lượng: Chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam đang có vấn đề và sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng là điều nhiều người đã nói. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là xã hội thiếu niềm tin. Nhiều người không tin là đi học đại học sẽ thực sự giúp cho họ nâng cao được kiến thức, kỹ năng để tự kiếm được việc làm. Tấm bằng đại học khi đó, chỉ có ý nghĩa về mặt hành chính.

- Lý do chính sách: Nói đi thì phải nói lại, chất lượng đại học thấp cũng không phải hoàn toàn tại lỗi của trường đại học. Chính sách nhà nước đối với giáo dục đại học rõ ràng còn quá nhiều bất cập, khiến cho các trường đại học nhiều khi có muốn cũng khó thể làm tốt hơn. Một trong những vấn đề lớn nhất của chính sách đối với giáo dục đại học ở nước ta trong 30 năm qua là chính sách về tài chính, bao gồm chính sách đầu tư của nhà nước và chính sách học phí.

Trong 3 lý do kể trên, tôi nghĩ lý do thứ 3 là lý do quan trọng nhất, cần phải xử lý trước. Xử lý được vấn đề trong lý do này xong thì tự nhiên 2 vấn đề còn lại (chất lượng, văn hóa/truyền thống) sẽ tự nhiên thay đổi theo. Phần tiếp theo của bài này sẽ đi sâu vào xử lý lý do thứ ba kể trên.

5. Trong chủ đề tài chính trong giáo dục, có một khái niệm gọi là chi phí đơn vị đào tạo trên đầu sinh viên hằng năm (gọi tắt là chi phí đơn vị). Chi phí đơn vị này, về cơ bản được hình thành bởi 2 cấu phần: một là mức đầu tư của nhà nước và hai là mức học phí. Mức chi phí đơn vị này cần phải đủ lớn để đảm bảo trường đại học có đủ nguồn lực cung cấp dịch vụ đào tạo đạt chất lượng.

Theo ước tính của tôi và đồng nghiệp trong một công bố mới đây, với những nước đang phát triển như Việt Nam, mức chi phí đơn vị này, lý tưởng cần rơi vào khoảng 55-60 triệu đồng/năm/sinh viên (tương đương với khoảng 110-130% GDP đầu người của Việt Nam hiện nay). Hẳn nhiên, mức ước lượng kể trên là cao hơn rất nhiều so với mức thực tế tại phần lớn các trường đại học công lập trong cả nước (khoảng 12-18 triệu/sinh viên/năm, trong đó, đầu tư của nhà nước khoảng 4-6 triệu/sinh viên/năm, phần còn lại là học phí). Chênh lệch giữa chi phí đơn vị lý tưởng và thực tế là khoảng 40 triệu. Và câu hỏi đặt ra là, mức chênh lệch này sẽ do ai chi trả: nhà nước hay người học?

Các trường đại học Việt Nam trong hàng chục năm qua luôn đối diện với tình trạng thiếu thốn ngân sách, còn thu học phí cao lại không được.

6. Từ kinh nghiệm từ quốc tế, câu trả lời của tôi cho câu trả lời trên chỉ gói gọn trong một chữ: Tùy. Điều đó nghĩa là, có những trường hợp, nhà nước sẽ nên trả phần lớn và có những trường hợp thì người học mới là người phải chi trả. Các ngành cơ bản như toán, lý, hóa, lịch sử, địa lý... tức là những ngành toàn xã hội cần nhưng nhu cầu xã hội ít thì nhà nước phải là bên phải chi trả nhiều hơn. Ngược lại, những ngành đem lại lợi ích cá nhân của người học lớn do dễ kiếm được việ thu nhập cao sau khi tốt nghiệp như quản trị, tài chính, công nghệ thông tin thì người học lại là bên phải chi trả phần nhiều. 

7. Nhưng thực tiễn chính sách đầu tư nhà nước cũng như học phí tại Việt Nam hiện nay là không đáp ứng được chữ “tùy” kể trên. Nói cách khác, chúng ta đang áp dụng chính sách khá cứng nhắc đối với cả đầu tư nhà nước lẫn học phí. Mức đầu tư của nhà nước trên đầu sinh viên theo từng ngành không có sự khác biệt đủ lớn và học phí cũng vậy.

Mặt khác, ngân sách nhà nước không đủ để đầu tư ở mức thỏa đáng đối với mọi ngành trong khi mức học phí lại bị chặn trần và các trường không thể thu quá cao. Các trường đại học Việt Nam trong hàng chục năm qua luôn đối diện với tình trạng thiếu thốn ngân sách; còn thu học phí cao lại không được. Và một cách hiển nhiên, họ bị rơi vào tình trạng loay hoay giữa vòng tròn luẩn quẩn: thiếu nguồn lực - chất lượng thấp - xã hội mất niềm tin.

8. Một giải pháp đã được giới nghiên cứu chúng tôi đề xuất từ lâu cho vấn đề này là chuyển dịch từ mô hình tài chính “2 thấp” (học phí thấp - hỗ trợ thấp) sang mô hình “2 cao” (học phí cao - hỗ trợ nhiều). Trong đó, hỗ trợ nhiều bao gồm học bổng dành cho sinh viên các ngành cơ bản như đã nói ở trên, học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế hoặc học giỏi. Hỗ trợ ở đây cũng có thể là các khoản tín dụng dành cho tất cả sinh viên, đủ để chi cho mức học phí cao.

Chúng tôi tin rằng một khi chính sách “2 cao” được thực thi thì số lượng những người có thiên hướng đầu tư giáo dục như người quen tôi kể ở đầu bài sẽ dần giảm xuống. Và đó, chắc chắn sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để thay đổi chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, vốn đang chịu rất nhiều chỉ trích như hiện nay.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top