Chắp cánh cho học sinh vùng cao đến trường

08:47 - Thứ Hai, 28/10/2019 Lượt xem: 11357 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu không để học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị thất học, những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng cao có cơ hội cắp sách tới trường... Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Mường Nhé đã chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách hiện hành, đặc biệt với học sinh là con em thuộc diện nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS)...

Tiết học của cô và trò Trường Mầm non Mường Nhé, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé).

Trung tuần tháng 10, chúng tôi có dịp trở lại Trường Mầm non Mường Nhé (xã Mường Nhé). Cô Hồ Thị Thắm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học này Trường có 923 học sinh với 13 điểm trường, 100% nhà lớp học đã được 3 cứng. Trường đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, đảm bảo duy trì sĩ số. Ðặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh DTTS đến trường, Trường đã huy động nguồn nhân lực giáo viên, cộng đồng tham gia xây dựng cơ sở vật chất, hướng dẫn học sinh thực hiện nền nếp sinh hoạt. Trường thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh, như: Hỗ trợ chi phí học tập, gạo, sách vở, đồ dùng học tập... Hiện nay, Trường đã tiến hành hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 149.000 đồng/tháng; hỗ trợ chi phí học tập 100.000 đồng/tháng/học sinh; chế độ cho học sinh dân tộc rất ít người 1 triệu đồng/tháng... Bên cạnh việc chi trả chế độ, chính sách, Trường tổ chức cho học sinh bán trú ăn tại trường 5 ngày/tuần, có thực đơn và kê khai tài chính hàng ngày.

Ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Năm học 2019 - 2020, huyện có 38 trường với 15.305 học sinh (12 trường mầm non, 15 trường tiểu học, 11 trường PTDTBT THCS, 4 trường tiểu học có lớp THCS) với 420 phòng ở nội trú, đa số học sinh thuộc diện cần hỗ trợ. Cơ sở vật chất khang trang, đồ dùng dạy học ngày càng đáp ứng nhu cầu, đây thực sự là một trong những yếu tố quan trọng góp phần để đồng bào dân tộc trên địa bàn nâng cao nhận thức về giáo dục, từ đó quan tâm tạo điều kiện cho con em mình đi học.

Ðể duy trì sĩ số học sinh, ngoài huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, Phòng GD&ÐT huyện đã chủ động huy động mọi nguồn lực từ sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước chăm lo đời sống cho học sinh; thành lập các trường bán trú, tổ chức ăn, ở tại trường, cải thiện chỗ ở đảm bảo điều kiện cho các em học tập. Chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chi phí học tập cho học sinh, như: Chế độ ăn trưa cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, chế độ học sinh bán trú theo Nghị định 116/2016/NÐ-CP; chế độ hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NÐ-CP; chế độ học sinh khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 43/2013/TTLT-BGDÐT-BLÐTBXH-BTC... đặc biệt, là chế độ chính sách dành cho học sinh dân tộc rất ít người. Tính đến thời điểm này, toàn ngành đã chi trả kịp thời chế độ cho 9.114 học sinh bán trú; 247 học sinh khuyết tật, 190 học sinh thuộc dân tộc rất ít người. Với phương châm “chi đúng, chi đủ” công khai, minh bạch về tài chính, Phòng Giáo dục và Ðào tạo thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh của từng đơn vị trường; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, công khai mọi thông tin về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh, nhất là các chính sách cho học sinh vùng khó khăn, học sinh DTTS, để giúp các em có đủ điều kiện đến trường và yên tâm học tập.

Ðể thắp sáng sự học trên vùng đất khó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé còn tích cực tuyên truyền, khơi gợi lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ xây dựng các điểm trường, tặng những phần quà ý nghĩa cho học sinh nghèo, người DTTS. Năm học 2018 - 2019, toàn huyện đã vận động hỗ trợ được hơn 22 tỷ đồng (xây dựng trường lớp học; hỗ trợ quần áo, gạo, đồ dùng học tập). Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã quyên góp hỗ trợ được hơn 1 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, việc thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách cho học sinh DTTS trên địa bàn huyện Mường Nhé đã và đang mở ra cơ hội để học sinh vùng khó khăn cắp sách tới trường. Từ đó, góp phần duy trì sĩ số học sinh ra lớp; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong thời kỳ mới.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top