Chính sách cho giáo viên công tác ở vùng khó

09:04 - Thứ Năm, 14/11/2019 Lượt xem: 11669 In bài viết

ĐBP - So với các thầy, cô giáo công tác ở vùng thấp thì đội ngũ những người làm công tác giáo dục ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn vất vả gấp bội phần. Chia sẻ với giáo viên công tác ở vùng khó khăn, đặc biệt ghi nhận, động viên các thầy cô nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ, Ðảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp với cơ chế, cách làm linh hoạt phù hợp điều kiện thực tiễn...

Chính sách mới cho giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn

Ngày 8/10/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2019/NÐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nghị định 76/2019/NÐ-CP của Chính phủ là một trong rất nhiều chính sách ưu tiên thể hiện sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước ta giành cho người công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có đối tượng là giáo viên. Qua đó góp phần khuyến khích, động viên họ yên tâm công tác, hoàn thành sự nghiệp “trồng người” ở những nơi còn nhiều gian khó.

Theo đó, từ 1/12/2019 mọi giáo viên đều được hưởng trợp cấp khi nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Theo quy định tại Ðiều 6 Nghị định này, các đối tượng quy định tại Ðiều 2 Nghị định này khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở những vùng này. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 116/2010/NÐ-CP, các đối tượng quy định tại Ðiều 2 Nghị định 116 đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung… Nhà giáo, viên chức giáo dục mà phải thường xuyên đến các thôn được hưởng phụ cấp hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở. Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp 50% mức lương cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung... Như vậy, có thể thấy, Nghị định 76 đã bỏ điều kiện về số năm công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để được hưởng trợ cấp lần đầu, cụ thể, hiện tại phải có thời gian công tác từ 3 năm trở lên đối với nữ và 5 năm trở lên đối với nam còn từ 1/12/2019 thì không cần điều kiện này cũng sẽ được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở.

Luân chuyển giáo viên về dạy ở bản gần nhà

Ðiều giáo viên địa phương về giảng dạy tại chính địa phương là một trong những giải pháp được ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Ảng (Ðiện Biên) triển khai với cách làm linh hoạt, nhờ đó chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện những năm gần đây có sự bứt phá rõ rệt. Như ở Trường Tiểu học Mường Ðăng (xã Mường Ðăng), Trường Tiểu học Nặm Lịch (xã Nặm Lịch)...

Ðể tránh tình trạng lớp học gần nhà có thể khiến các thầy, cô giáo trễ nải chuyên môn phần nào, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã yêu cầu Ban giám hiệu các trường chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát anh chị em giáo viên khi phân công họ về bản dạy học. Kết quả của việc thực hiện chủ trương luân chuyển giáo viên về dạy ở bản gần nhà là trong hơn 10 năm qua Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã sắp xếp, điều chuyển hàng trăm giáo viên về dạy học ở chính bản làng quê mình. Ðó là một trong những nguyên nhân tích cực để từ 2 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia năm 2007, đến tháng 3/2019, toàn huyện có 25/40 trường đạt chuẩn quốc gia. Ðặc biệt đến nay huyện Mường Ảng không còn bản “trắng” về giáo dục mầm non.

Luân chuyển giáo viên vùng đặc biệt khó khăn

Có chính sách luân chuyển giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là một trong những vấn đề được người dân tỉnh Tuyên Quang quan tâm và đề nghị các cấp bộ ngành xem xét. Trường hợp không bố trí luân chuyển được cần xem xét để các đối tượng này được hưởng chế độ hỗ trợ.

Trong khi đó chính sách này đã được tỉnh Quảng Trị nghiên cứu và triển khai. Thực hiện Nghị quyết 12/2008 của HÐND tỉnh về luân chuyển và chính sách khuyến khích đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn; theo đề nghị của Hội đồng xét luân chuyển giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn năm học 2019 - 2020; UBND tỉnh đã có quyết định luân chuyển 8 giáo viên có đủ thời gian công tác tại các trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn được chuyển về các huyện, thị xã, thành phố có điều kiện thuận lợi. Trong đó có 5 giáo viên đang công tác tại các xã: A Bung, A Vao, Hướng Hiệp, Tà Rụt, Ba Lòng, Hướng Lập thuộc các huyện Ðakrông, Hướng Hóa có nguyện vọng được chuyển về Phòng Giáo dục và Ðào tạo thành phố Ðông Hà; 3 giáo viên còn lại có nguyện vọng và được chuyển về Phòng Giáo dục và Ðào tạo thị xã Quảng Trị, huyện Gio Linh, Vĩnh Linh. Mỗi địa phương tiếp nhận 1 giáo viên. Việc luân chuyển giáo viên đủ thời gian công tác tại vùng đặc biệt khó khăn về vùng thuận lợi của tỉnh Quảng Trị đã tạo điều kiện để giáo viên hợp lý hóa gia đình, an tâm công tác lâu dài và nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy.

T.K (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top