Yêu sao lớp học “i tờ”

09:10 - Thứ Năm, 14/11/2019 Lượt xem: 11331 In bài viết

ĐBP - Những ngày giữa tháng 11, hoa cúc quỳ bung nở rực rỡ trên các sườn đồi, cung đường và bản làng, báo hiệu vùng cao Mường Nhé bắt đầu vào Ðông. Cái lạnh đầu mùa và sương muối nặng hạt cũng không làm át đi tiếng đánh vần, tập đọc của những đứa trẻ ở điểm trường vùng cao.

Ðến thăm một số điểm trường thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 (xã Mường Toong, huyện Mường Nhé), được chứng kiến giáo viên nơi đây miệt mài dạy học sinh tập đọc, tập viết những nét chữ đầu đời, chúng tôi thêm yêu thương và trân trọng những người giáo viên can trường bám lớp và dành hết nhiệt huyết, thanh xuân để “gieo chữ” cho trẻ vùng cao.

Cô giáo Ðinh Thị Thu Trang, Ðiểm trường Tiểu học Nậm Hà, bản Nậm Hà, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) dạy học sinh lớp 1 tập viết.

Tại Ðiểm trường Tiểu học Nậm Hà, thuộc bản Nậm Hà, cũng là bản xa trung tâm, khó khăn nhất của xã Mường Toong, chúng tôi được cô giáo Ðinh Thị Thu Trang - giáo viên duy nhất đang dạy tại điểm trường chia sẻ: “Học sinh ở điểm trường này đều là người dân tộc Mông và Dao. Trước khi đi học, các em ít khi giao tiếp bằng tiếng phổ thông, thậm chí có em không nói được tiếng phổ thông. Chính vì vậy, việc dạy học sinh nhận diện mặt chữ tiếng Việt và đọc được chữ là điều khó khăn nhất. Trong 3 tháng gần đây (từ khi khai giảng), để các em có thể đọc được, viết được, tôi phải kiên trì dạy từng chữ cái, từng con số...”.

Trong giờ lên lớp, cô Trang nắn nót viết những nét chữ tròn lên bảng rồi chỉ từng chữ cho các em tập đọc. Những trang sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của học sinh đầy ắp chữ cái cứ lật đi lật lại nhiều lần cùng tiếng tập đọc đều đều, hòa vào tiếng chim rừng, suối reo, tạo nên một bản hòa âm độc đáo mà quen thuộc ở nơi này.

Cô giáo Trang là một trong số những giáo viên trẻ nhất của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1. Ngoài 20 tuổi, có một gia đình nhỏ ở tỉnh khác nhưng cô Trang đã dành rất nhiều tình cảm, sự gắn bó với điểm trường vùng cao. “Ban đầu khi mới đến Ðiểm trường Tiểu học Nậm Hà dạy học, tôi chưa quen cuộc sống vùng cao với những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Có lúc tôi buồn, nhụt chí, cũng định bỏ cuộc, song tình yêu với nghề đã cho tôi niềm tin để tiếp tục ở đây dạy học. May mắn là bà con dân bản Nậm Hà quý cô giáo nên thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tôi trong giảng dạy cũng như chăm sóc học sinh. Ðồng thời, các em học sinh cũng yêu quý tôi như người mẹ thứ hai, chính vì thế tôi dần quen với cuộc sống ở nơi này và càng thêm gắn bó với các em học sinh”.

Khó khăn cứ tiếp nối khó khăn trong hành trang gieo chữ của cô giáo trẻ. Sống ở bản đặc biệt khó khăn, với 100% hộ nghèo, cơ sở vật chất thuộc diện “4 không” (điện, đường, trường, trạm đều chưa đảm bảo), cô Trang còn gặp khó khăn vì nhận thức của học sinh vùng cao còn hạn chế, việc nhận diện mặt chữ và nhớ được chữ để đọc là vấn đề nan giải. “Các em ở vùng cao bước vào lớp 1 nhưng chưa thể giao tiếp và tập trung học như học sinh miền xuôi. Chính vì thế, việc tập đọc, tập viết mất rất nhiều thời gian. Có em học tới nửa năm vẫn chưa nhận diện được mặt chữ, nói còn ngọng, đọc còn sai và cá biệt còn có em chưa viết thành thạo chữ cái. Vì thế, tôi không chỉ dành nhiều thời gian dạy đọc, viết trên lớp, mà có khi buổi tối, tôi phải soi đèn pin đến tận nhà những em học kém để kèm thêm cho các em” - cô giáo Trang chia sẻ.

Ở Ðiểm trường Tiểu học Huổi Cắn, thuộc bản Huổi Cắn, xã Mường Toong, chúng tôi cũng thấy được sự nỗ lực của thầy giáo Lường Văn Tuần trong việc dạy học cho trẻ. Lớp học của thầy Tuần là lớp ghép có 16 học sinh (lớp 1 và lớp 2) nên mỗi tiết dạy, trên tay thầy giáo Tuần luôn có 2 cuốn sách giáo khoa. Chứng kiến một tiết học của thầy Tuần, chúng tôi thấy thầy vừa dạy học sinh lớp 1 tập đọc, vừa hướng dẫn học sinh lớp 2 làm toán. Hai môn học cứ xen kẽ nhau nhưng thầy Tuần vẫn truyền đạt kiến thức chuẩn xác. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Tuần cho biết: “Do đặc thù học sinh vùng cao mới vào lớp 1 thường nhút nhát nên chậm tập đọc, tập viết. Bởi vậy, tôi đã sáng tạo ra cách mới để giúp các em tiếp thu mặt chữ tốt hơn. Ðó là chơi những trò chơi đố vui tìm chữ cái, dán chữ cái lên các vật dụng thủ công có mặt chữ liên quan... Qua nhiều buổi “chơi mà học” như vậy, tôi thấy học sinh lớp 1 đã dần bạo dạn, tiếp thu nhanh, nhận diện mặt chữ, số học tốt hơn trước. Khi bước vào lớp 2, các em sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn”.

Không chỉ sáng tạo trong việc truyền đạt kiến thức, hiện nay thầy Tuần còn đóng vai là người cha thứ hai cho các em nhỏ tại điểm trường. Ðược biết, từ khi có chương trình từ thiện hỗ trợ kinh phí tổ chức cho học sinh điểm trường ăn cơm trưa tại lớp, mỗi buổi trưa các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, thầy Tuần còn nấu cơm cho các em ăn và sắp xếp chỗ cho các em ngủ trưa. Vốn thường chứng kiến các cô giáo chăm sóc học sinh chu đáo, chúng tôi lại càng bất ngờ khi thầy Tuần cũng chăm sóc học sinh cẩn thận không kém gì các cô.

Chia tay thầy Tuần và các em học sinh vào giờ học buổi chiều, chúng tôi rời bản Huổi Cắn trên con đường đất chạy quanh sườn núi. Khi bản Huổi Cắn khuất dần dưới lòng thung, vĩ thanh của tiếng đọc chữ, gieo vần của trẻ lớp 1, tiếng cộng trừ con số của trẻ lớp 2 nơi đây như vẫn văng vẳng bên tai. Những lớp học “i tờ” vùng cao tuy đơn sơ nhưng vẫn luôn đầy ắp sự nhiệt huyết của các thầy, cô giáo đang dạy chữ nơi đây...

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top