Những người đặt nền móng cho giáo dục vùng cao

09:17 - Thứ Năm, 14/11/2019 Lượt xem: 10499 In bài viết

ĐBP - Cách đây tròn 60 năm, hưởng ứng chủ trương của Ðảng và Bác Hồ về việc điều động giáo viên cấp 1, cấp 2, cấp 3 ở các tỉnh miền xuôi lên phát triển văn hóa, giáo dục ở các tỉnh miền núi, 860 giáo viên ở các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa đã tình nguyện lên đường đưa ánh sáng tri thức đến với đồng bào dân tộc miền núi. Từ sự khởi nguồn này và nhiều năm sau đó, biết bao thế hệ giáo viên các tỉnh miền xuôi tiếp tục hăng hái lên đường, góp phần chung sức xây dựng sự nghiệp giáo dục Ðiện Biên phát triển như ngày hôm nay.

Một tiết học của Trường Tiểu học thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà). Ảnh: Huyền Lâm

Sáng ngày 30/9/1959, trong cờ hoa, biểu ngữ cùng khí thế hừng hực của tuổi trẻ, 860 giáo viên các tỉnh miền xuôi bắt đầu hành trình “ngược ngàn” trên những chiếc xe tải dã chiến xóc như giã gạo để dấn thân vào nơi “cái gì cũng không có” làm nhiệm vụ mở trường, gọi trẻ đi học. Với hành trang được phát vỏn vẹn là một cái áo bông, một chăn chiên, màn và một manh chiếu; các thầy cô đã chia nhau về các Ủy ban hành chính khu, tỉnh miền núi như: Khu tự trị Thái mèo, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái và Việt Bắc. Khi đó, tỉnh Lai Châu cũ (nay chia tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Ðiện Biên) được đón hơn 500 giáo viên về xây dựng sự nghiệp giáo dục. Là một trong những giáo viên viết đơn xung phong đi phát triển văn hóa giáo dục ở các tỉnh miền núi và được phân công về Chăn Nưa (tỉnh Lai Châu cũ), ông Vũ Kim Thuần nhớ lại: Do cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mới đi qua nên cuộc sống của người dân khi đó còn nhiều bộn bề gian khó, trường lớp chưa có, người dân chưa có nhận thức về nhu cầu học tập của bản thân và con em mình... Song nhớ lời dặn dò, động viên của Bác trước lúc lên đường: “Công tác ở miền núi có nhiều khó khăn. Các cô, các chú xung phong gánh lấy những khó khăn để làm công tác giáo dục ở miền núi, thế là tốt, là vẻ vang. Nhưng các cô, các chú cần xung phong đến nơi, đến chốn. Cần có tinh thần bền bỉ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”. Vì vậy, cùng với chính quyền địa phương, ông đã tích cực vận động nhân dân chặt tre, nứa về làm lớp học tạm, tự đóng những tấm gỗ làm bàn học, đồng thời không quản ngại đường sá xa xôi đến tận các bản, làng để vận động người dân và trẻ em đi học. Học sinh lớp 1 khi đó là các em đã ở độ tuổi 12, 15, thậm chí có học sinh đã 18 tuổi. Ðó là lần đầu tiên các em được đến lớp, biết đến thầy giáo, biết đến con chữ và biết viết tên của mình. Cuộc sống lúc đó tuy còn nhiều gian khổ, đói khát nhưng tình cảm gắn bó thầy và trò, cộng với sự yêu mến, đùm bọc của người dân đã tiếp thêm ý chí, niềm tin giúp ông làm tốt nhiệm vụ mang con chữ đến với người dân nơi đây.

Ông Vũ Kim Thuần chia sẻ với phóng viên về quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy học cho đồng bào dân tộc xã Chăn Nưa (tỉnh Lai Châu cũ).

Mặc dù năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng khi nhắc lại chuyện xung phong lên các tỉnh miền núi phát triển văn hóa giáo dục, ông Nguyễn Minh Tranh (phường Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ) vẫn nhớ như in những ngày đầu ông mới đặt chân lên mảnh đất Chung Chải (nay thuộc huyện Mường Nhé) để nhận nhiệm vụ mới đầy gian nan. Phải mất mấy ngày đi bộ ròng rã ông mới tới được xã Chung Chải. Khi đó người dân toàn xã không ai biết chữ, không ai biết nói tiếng phổ thông vì thế từ vị trí người thầy, ông lại trở thành người phải đi học tiếng dân tộc Hà Nhì để có thể giao tiếp, vận động học sinh đi học. Buổi sáng, ông dạy chữ cho các em nhỏ, buổi tối lại tranh thủ thắp đèn dầu hỏa, đốt củi để dạy cho người lớn vì ban ngày mọi người còn bận lên nương sản xuất. Bởi cuộc sống nhân dân còn quá nhiều khó khăn, nên để duy trì học sinh đến lớp, ngoài việc thường xuyên vận động, ông còn phải trích một phần tiền lương ít ỏi của mình để mua sách, vở, bút cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ðến năm 1967, ông được chuyển về xã Mù Cả (huyện Mường Tè) để tiếp tục phát triển phong trào giáo dục ở nơi đây. Sau nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao, bản thân ông đã đào tạo được nhiều lớp học trò, trong đó không ít người đã trở thành những cán bộ nòng cốt, như Lý Anh Po, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Tè; Pờ Chừ Lồng, một trung tá trong lực lượng vũ trang...

Trước khi lên nhận nhiệm vụ dạy học tại Trường cấp 1 Khổng Lào thuộc huyện Phong Thổ (Lai Châu), ông Trần Ðình Hoạt (phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ) đang là giáo viên tại huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình). Hưởng ứng chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, ông đã xung phong đi dạy học ở nơi vùng cao xa xôi, hẻo lánh Khổng Lào. Mặc dù, phải đối mặt với muôn vàn trở ngại, khó khăn nhưng với quyết tâm thực hiện chủ trương “Thầy tìm trò, trường gần dân, quy mô nhỏ, Nhà nước và nhân dân cùng phối hợp”, ông đã dốc tâm sức cùng với bà con nơi đây xắn tay xây dựng lớp học để đưa con chữ đến với học sinh dân tộc vùng cao. Tuy cuộc sống hết sức khó khăn, điều kiện học tập thiếu thốn nhưng người dân Khổng Lào lại rất ham học, luôn yêu thương, trân trọng, quý mến thầy giáo. Chính điều đó đã tiếp thêm động lực để ông có thể bám trụ lại với mảnh đất nhiều gian khổ này.

Ðó chỉ là sẻ chia của 3 trong số hàng trăm giáo viên các tỉnh miền xuôi đã không ngại khó, ngại khổ hăng hái xung phong lên phát triển văn hóa giáo dục miền núi. Ðến nay, mặc dù các thầy, cô đã tuổi cao, sức yếu, nhiều người đã mất nhưng công lao của các thầy, cô sẽ mãi được ngành Giáo dục và đồng bào các dân tộc miền núi ghi nhớ và tri ân. Nhờ sự tận tâm cống hiến của các thầy cô đã góp phần khai hóa văn minh, đưa ánh sáng văn hóa tới tận những vùng rẻo cao xa xôi nhất của các tỉnh miền núi, để sự nghiệp giáo dục và đào tạo nơi đây đạt được thành tựu to lớn như ngày hôm nay.

Ðức Linh
Bình luận
Back To Top