Chạy đua nâng cấp, thành lập trường đại học

10:41 - Thứ Sáu, 22/11/2019 Lượt xem: 10094 In bài viết

Trên cơ sở Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và bổ sung (Luật số 34) có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, nhiều đại học, trường đại học đã có chủ trương phát triển, nâng cấp trường đại học thành đại học, nâng cấp các khoa thành trường đại học trực thuộc, nâng cấp khoa thành trường thuộc trường đại học. Tuy nhiên, chủ trương này có là động lực để phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo hay chỉ làm cho bộ máy của các trường thêm cồng kềnh, tốn ngân sách?

Khoa Y của ĐH Quốc gia TPHCM sẽ nâng cấp thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe và Bệnh viện thực hành trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM.

Nhiều cơ sở đào tạo lên kế hoạch nâng cấp 

Cả nước hiện chỉ có 5 đại học (ĐH) gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế. Tuy nhiên, theo Luật số 34 với những quy định mới về thành lập, đổi tên trường, nhiều trường ĐH lớn đã dự kiến và chuẩn bị lộ trình nâng cấp từ trường ĐH thành ĐH, nâng cấp khoa thành trường ĐH và trường trực thuộc.  

Trường ĐH Kinh tế TPHCM là một trong những trường đầu tiên có ý định “nâng cấp” từ Trường ĐH Kinh tế TPHCM sang ĐH ngay từ khi bắt đầu lấy ý kiến sửa đổi Luật Giáo dục Đại học năm 2012. Đại diện nhà trường cho biết, sau khi có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34, trường sẽ tiến hành thực hiện kế hoạch đã đề ra. Theo quy định, để nâng cấp thành ĐH, trước hết trường phải phát triển các khoa hiện nay thành các trường ĐH trực thuộc. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng đưa ra định hướng chiến lược phát triển dựa theo tinh thần của Luật số 34. Theo dự kiến, đến năm 2020, bộ máy tổ chức của trường sẽ theo 3 cấp: trường ĐH, College (trường) và bộ môn. Định hướng đến năm 2030, trường ĐH này sẽ trở thành ĐH với 4 trường thành viên gồm: Trường Nông nghiệp; Trường Công nghệ; Trường Kinh tế và Phát triển; Trường Khoa học. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng có đề án thành lập 2 trường trực thuộc gồm Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục. Ban giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã đồng ý về chủ trương nhưng vẫn phải đợi khi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34 chính thức được ban hành thì mới có quyết định thành lập 2 trường này. Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng đang xây dựng đề án phát triển thành ĐH Tôn Đức Thắng. 

Còn theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, Khoa Y của ĐH Quốc gia TPHCM, sau 10 năm hình thành và phát triển (2009 - 2019), sắp tới cũng sẽ xây dựng đề án phát triển thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe và Bệnh viện thực hành trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM.

Đừng phí phạm ngân sách

Theo Điều 4 của Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34 (đã trình Chính phủ trong tháng 10 vừa qua), quy định khá rõ việc chuyển trường ĐH thành ĐH và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, điều kiện để chuyển trường ĐH thành ĐH như sau: trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập (có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận). Sau khi đáp ứng những quy định này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

Trường hợp thành lập trường thuộc trường ĐH phải có ít nhất 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ ĐH trở lên, trong đó có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 1 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên. Trường hợp thành lập trường đào tạo các ngành đặc thù, có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Hội đồng trường hoặc hội đồng ĐH có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập trường thuộc trường ĐH. 

Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của ĐH Quốc gia TPHCM mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc thành lập, phát triển trường ĐH thành ĐH, phát triển khoa thành trường ĐH trực thuộc ĐH, phát triển khoa thành trường thuộc trường ĐH đã được quy định tại Luật số 34. Tuy nhiên, khi thực hiện phải lưu ý tính hiệu quả, không để tốn kém ngân sách mà phải tự chủ hoàn toàn, hướng đến chất lượng. PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng, việc thực thi Luật số 34 phải chờ Nghị định hướng dẫn thi hành, khi đó các trường sẽ thuận lợi trình đề án nâng cấp.  

Với các trường đại học ngoài công lập, dù có quy định nhưng đa phần chưa quan tâm đến vấn đề nâng cấp, phát triển thành ĐH, hay phát triển khoa thành trường ĐH. Theo lý giải của các trường, thực tế hiện nay có nhiều trường ĐH cùng một nhà đầu tư nên chưa có chủ trương liên kết để phát triển thành ĐH. Bởi lẽ, vấn đề quan trọng nhất chính là tính hiệu quả, kết quả quản trị chứ không phải phát sinh thêm để tốn thêm chi phí mà tính hiệu quả lại thấp. Trong khi đó, với các trường công lập đã có đề án, chủ trương phát triển thành ĐH, nâng cấp khoa thành trường trực thuộc, nhiều ý kiến cho rằng, chưa hẳn để hướng đến phát triển mạnh hơn một số lĩnh vực ngành nghề trong thời gian tới, mà mục tiêu là… có thêm ngân sách!

Theo Luật số 34, trường ĐH, học viện là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật này. ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, đơn vị thành viên là trường ĐH, viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân do Thủ tướng Chính phủ thành lập; trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục ĐH, do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định việc thành lập theo quy định của Chính phủ.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top