Hệ lụy không nhỏ khi hạ chuẩn "đầu ra" môn tiếng Anh

08:43 - Thứ Ba, 26/11/2019 Lượt xem: 10801 In bài viết

Có một thực tế đang diễn ra tại một số trường đại học (ĐH) là phải hạ chuẩn đầu ra tiếng Anh để sinh viên được tốt nghiệp, ra trường. Và câu chuyện hạ chuẩn Anh Văn đã xảy ra từ lâu tại các trường ĐH. 

Một trong những hệ lụy dẫn tới khi hạ chuẩn đầu ra môn Anh Văn đó là chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam sẽ đi xuống, giảm sức cạnh tranh với nhân lực nước ngoài. Ảnh minh hoạ.

Tại thông báo kết luận của Hội đồng khoa học và đào tạo trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 8-2019, một trong những nội dung quan trọng là việc hạ chuẩn đầu ra tiếng Anh - ngành Ngôn ngữ Anh.

Thông báo này nêu rõ sẽ chưa áp dụng chuẩn đầu ra cho sinh viên (SV) ngành Ngôn ngữ Anh theo mức điểm 7,0 IELTS trở lên (nếu không đạt ngoại ngữ thứ 2 theo quy định thì chuẩn trình độ tiếng Anh phải đạt từ 7,5 IELTS trở lên). Chuẩn này được trường công bố tháng cuối 2016 áp dụng cho khóa 41 trở về sau và các khóa tuyển sinh 2017,  2018.

Thay vào đó, theo kết luận của hội đồng này, SV ngành học ngành trên từ khóa 41 về sau vẫn tiếp tục sử dụng chuẩn đầu ra của SV các khóa trước đó.

Cụ thể, SV cần đạt chuẩn tiếng Anh IELTS từ 6,5 trở lên. Như vậy, trường sẽ giảm 0,5 điểm IELTS so với công bố ban đầu từ 7,0 xuống 6,5 (với SV đạt chuẩn ngoại ngữ 2 theo quy định) và từ 7,5 xuống 7,0 (với SV không đạt chuẩn ngoại ngữ 2). Sau gần 4 năm đưa ra mức chuẩn mới nhưng SV vẫn không đạt được như trường đã công bố.

Cuối năm 2018, Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh có thông báo về việc hướng dẫn sử dụng chứng chỉ TOEIC trong xét chuẩn đầu ra các chương trình ĐH chính quy, chất lượng cao. Theo đó, trường đã quyết định hạ chuẩn điểm TOEIC 530 điểm 2 kỹ năng (đọc, viết) xuống còn 450 điểm 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết).

Những SV của đợt xét tốt nghiệp cuối cùng trong năm học 2018 - 2019 có thể chọn một trong 2 chuẩn trên, nhưng từ đợt xét đầu tiên của năm học 2019 - 2020 chấp nhận chứng chỉ TOEIC 4 kỹ năng từ 450 điểm trở lên.

Lý giải về nguyên nhân trên, một số SV cho biết, phương pháp giảng dạy tiếng Anh ở các trường ĐH vẫn thiên về dạy ngữ pháp, chưa có sự tương tác nhiều giữa Giảng viên và người học. Trong khi đó, phương tiện học thực hành tiếng chủ yếu là từ cassette. Các trường đều có phòng Lab nhưng chủ yếu để phục vụ sinh viên các chương trình chất lượng cao, chương trình quốc tế.

Trước câu hỏi tại sao việc đào tạo ngoại ngữ vẫn không thay đổi so với cách đây cả chục năm, một giảng viên tại Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh thừa nhận, khó đầu tư thêm cơ sở vật chất như ở các Trung tâm ngoại ngữ vì học phí của trường được quy định theo tín chỉ và theo quy định, lớp học cũng không thể chia nhỏ số người học nhằm nâng chất lượng.

Được biết, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn hằng năm của trường chỉ đạt 55-56%. Trong đó, riêng năm 2017 có hơn 100 sinh viên không được nhận đồ án vì thiếu chứng chỉ ngoại ngữ. Theo TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng của ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, năm 2014-2015, nhà trường yêu cầu điểm thi TOEIC chỉ cần 450 điểm.

Nhưng năm 2016 tăng lên 500; tới năm 2018-2019, trường yêu cầu TOEIC là 550 điểm với SV học đại trà và 600 điểm với SV học chương trình chất lượng cao. Bàn bạc về “chuẩn” đầu ra của môn học này, TS Dũng cho rằng, tuỳ theo chuẩn đầu vào của từng trường.

Nếu khảo sát mà thấy học sinh vào trường năm đầu tiên (từ phổ thông) quá thấp thì cần rà soát, sát hạch lại để có con số khảo sát toàn bộ trình độ Anh văn tới đâu. Sau đó trong vòng 4 năm, bắt buộc dựa trên trình độ khảo sát lúc đầu để lấy chuẩn cho SV khoá đó đạt được về Anh văn để SV tốt nghiệp.

“Nói thực nếu lấy chuẩn ngoại ngữ đầu ra cao quá, SV không ra trường được. Gia đình phản ứng thì nhà trường cũng không muốn”, TS Dũng thừa nhận. Ghi nhận, tỉ lệ SV của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (thi Anh văn lần 1) đạt yêu cầu về TOEIC trung bình hằng năm khoảng 55%.

Như vậy còn khoảng 45% không ra trường được, nợ lại môn ngoại ngữ mà đành chịu, phải đợi thi lần sau. Tuy nhiên theo đánh giá của TS Dũng, do SV quá lười. “Dù chúng tôi luôn chỉ cho các em thấy rõ rằng, học tốt Anh văn cũng chính là giúp các em có thêm kiến thức, có thêm điều kiện nhận được mức lương tốt hơn.

Một em có tiếng Anh tốt sẽ có tương lai nhận làm việc lương cao tại công ty nước ngoài. Một em tiếng Anh dở sẽ không có cơ hội. Rõ ràng là như thế nhưng các em thường vẫn không chịu học”, TS Dũng nói thêm.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, trong nhiều lần tư vấn về nghề nghiệp, về việc chọn ngành nghề, có một điều ông rất trăn trở bởi tới khoảng 80% là học sinh THPT thừa nhận “sợ” môn Anh văn.

“Được biết, do học tiếng Anh trong phổ thông chủ yếu được giảng dạy theo kiểu thuộc lòng, còn khi học trong môi trường ĐH là tự học, là liên hệ, là học thực tế, nhất là môn giao tiếp tiếng Anh. Nhưng đa phần là các em ít tự tìm hiểu. Qua đó chúng ta rất cần có một cuộc khảo sát về cách giảng dạy và cách học tập môn tiếng Anh trong trường phổ thông và cả trong trường ĐH hiện nay”, ông Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, hầu hết SV các trường ĐH đều bị “vướng” môn tiếng Anh khi xét tốt nghiệp. Nhưng nhiều SV không lấy đó làm điều đáng lo ngại, vì ra trường, trong hoàn cảnh nợ lại môn tiếng Anh, các em vẫn xin được việc vì nhiều nơi xin vào làm không cần đòi hỏi phải có bằng, chỉ cần trình ra bảng điểm nợ lại môn ngoại ngữ. Do đó chúng ta nên có điều khoản rõ ràng, nếu SV chưa tốt nghiệp thì không cơ quan nào nhận vào làm việc cả.

Trước hết để SV có trách nhiệm và ý thức trang bị kiến thức ngoại ngữ cho mình, cần chấm dứt tình trạng hiện nay, các cơ sở nhận người vào làm việc tin vào “lời hứa” của người lao động rằng, họ sẽ nộp lại bằng sau, họ sẽ thi đậu ngoại ngữ. Cũng vì bằng mọi cách có thể “qua” được môn Anh văn, nhiều chuyện “tiêu cực” đã xảy ra.

 Ngoài ra, theo ông Cường, chuyện các trường hiện nay hạ chuẩn Anh văn để cho SV tốt nghiệp, cũng dẫn tới một hệ luỵ khác. Đó là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ ngày càng đi xuống, không cạnh tranh được với nhân lực nước ngoài như Philippines, Malaysia đang “đổ bộ” vào thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh. Họ hơn hẳn nhân lực Việt Nam về trình độ tiếng Anh. Như vậy, ngay tại trên “sân nhà” mà nhân lực của ta đã thua về năng lực thì so với nhân lực thế giới, ta càng tụt hậu; tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên là tất yếu...

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top