Bữa cơm bán trú yêu thương

09:33 - Thứ Năm, 26/12/2019 Lượt xem: 11032 In bài viết

ĐBP - Ðảm bảo việc đi học chuyên cần của học sinh vùng cao ở huyện Mường Nhé luôn là nỗi trăn trở của các thầy, cô giáo nơi đây. Nhưng giờ đây, nỗi lo ấy đã vơi đi phần nào. Các em được ở lại trường học tập, được thầy cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Có được điều đó là nhờ mô hình bán trú tại trường trong những năm qua.

Thầy giáo chia các phần cơm trưa cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Mường Toong.

Trong chuyến công tác tại Mường Nhé, chúng tôi có dịp đến thăm một số trường tiểu học trên địa bàn huyện, tận mắt chứng kiến những đổi thay về điều kiện sinh hoạt, học tập của học sinh vùng cao. Có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong (huyện Mường Nhé) vào lúc gần trưa; trong căn bếp nhỏ, các thầy, cô giáo đang tất bật nấu nướng, chuẩn bị bữa cơm trưa cho học trò. Trưa nay các em được ăn cá bống kho thịt ba chỉ và canh xương bí đỏ. Chứng kiến tận mắt, được tự tay trải nghiệm làm “đầu bếp” và được nếm thử món ăn, chúng tôi nhận thấy bữa ăn của học sinh rất ngon và đảm bảo dinh dưỡng. Ở đây, thực phẩm khi mua về được thầy, cô giáo chế biến và sử dụng hết trong ngày, không để tủ trữ đông hay tủ lạnh sang ngày hôm sau. Chỉ với mức hỗ trợ 596.000/tháng/học sinh, mỗi ngày 3 bữa: sáng, trưa, tối, nhưng các thầy, cô giáo luôn cố gắng cân bằng, đổi món, đảm bảo bữa cơm của học sinh có đủ dinh dưỡng. Trong thời gian qua, Mường Nhé xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nhà trường đã thay thế thịt lợn bằng các thực phẩm khác, như: Thịt gà, vịt, cá, trứng… Khi hết dịch, đảm bảo an toàn, nhà trường mới sử dụng thịt lợn vào thực đơn bữa ăn của học sinh.

Khi bữa cơm trưa được chuẩn bị xong, cũng là lúc tiếng trống tan học vang lên. Các em học sinh ùa ra sân, rồi tập trung trước phòng ăn của nhà trường. Những khuôn mặt hồn nhiên, ánh mắt rạng ngời niềm vui, háo hức khi giờ ăn sắp tới. Sau khi lễ phép chào chúng tôi, các em đứng xếp hàng ngay ngắn theo lớp, mỗi nhịp trống vang lên, từng lớp sẽ bước vào nhà ăn, rồi ngồi đợi tất cả các bạn. Khi đã đông đủ học sinh, thầy giáo đánh kẻng, các em đứng dậy đồng thanh mời thầy, cô, rồi mới ngồi xuống ăn cơm. Cơm, canh và thức ăn ở đây luôn được nấu dư, để em nào muốn ăn thêm có thể ra bàn tự lấy. Dường như sau mỗi buổi học, các cô, cậu học trò đều đói bụng nên ăn rất ngon miệng; chỉ 15 phút sau, nhiều em đã ăn xong phần cơm của mình, rồi mang khay đi rửa, cất gọn gàng vào tủ, sau đó mới trở về phòng nghỉ ngơi. Buổi tối cũng vậy, nhưng khác là sau giờ ăn cơm các em sẽ nghỉ ngơi chừng 30 phút, rồi lại ngồi vào lớp để ôn bài; các thầy, cô giáo tiếp tục thay phiên nhau trực để kèm cặp, giúp các em học tập buổi tối. Ở nơi đây, các thầy cô vừa nuôi dưỡng, vừa chỉ dạy và là những người cha, người mẹ chăm lo cho học sinh như những đứa con của mình.

Thầy giáo Mào Văn Phát, Hiệu phó Trường PTDT bán trú tiểu học Mường Toong chia sẻ: “Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc vùng cao. Có những em người Mông khi mới đến đây chỉ thích ăn cơm với nước trắng, không thích ăn cơm với thức ăn do thầy cô nấu, nên ban đầu nhà trường cũng rất lo lắng vì sợ thức ăn không ngon, không hợp khẩu vị, các em sẽ bị đói, không đảm bảo sức khỏe. Các thầy, cô giáo cũng trò chuyện, tìm hiểu, thường xuyên thay đổi thực đơn. Về sau mới biết là do các em ở nhà thường ăn như vậy nên thích ăn cơm với nước lọc. Nhưng đi học lâu dần các em cũng đã quen, giờ thì ăn tất cả các món nên nhà trường không còn lo lắng”.

Ðến đây chúng tôi mới hiểu, mỗi bữa cơm bán trú có ý nghĩa đặc biệt thế nào. Ðó không đơn thuần chỉ là một bữa ăn bình thường mà chứa đựng trong đó đầy tình yêu thương của các thầy, cô giáo. Bữa cơm giúp bọn trẻ được đến trường, được học cái chữ, được học thêm cả kỹ năng sống, giúp các em có thể mở lòng nhiều hơn, nhanh chóng hòa nhập hơn. Học sinh vùng cao bây giờ đã không còn phải lo lắng đi một quãng đường xa xôi từ nhà đến trường nữa. Em Lý A Súng, học sinh lớp 3A, nhà cách trường 12km cho biết: “Nhà em xa lắm, lại đông anh em nên bữa cơm của gia đình em hầu như chỉ có rau rừng; có bữa phải ăn cơm độn khoai, độn sắn. Từ ngày ở tại trường, em được các thầy, cô giáo nấu cho ăn, em rất vui, bữa ăn có nhiều món, có thịt nữa và được đổi món thường xuyên”. Nhờ có bữa cơm bán trú mà các em thích đến trường hơn, thích học chữ, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đảm bảo sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng học tập, duy trì sĩ số ở mỗi lớp học. Hiệu quả lớn nhất là các em học sinh có thời gian để học tập tốt hơn, khắc phục được tình trạng sau giờ học học sinh phải vào rừng kiếm củi, hái rau để nấu ăn và phụ huynh học sinh yên tâm khi con em ở xa gia đình được nhà trường chăm sóc chu đáo.

Mỗi bữa ăn của các em học sinh vùng cao chưa tới 10.000 đồng, nhưng đó là những bữa ăn yêu thương, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mỗi bữa ăn nơi đây đều rộn ràng niềm vui, hạnh phúc bởi những tiếng cười nói rôm rả của học sinh. Cũng nhờ có bữa cơm đong đầy tình yêu thương của các thầy, cô giáo, đã giúp các em học sinh gắn bó với trường, với lớp, có thêm động lực phấn đấu học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Lan Hương
Bình luận
Back To Top